Nhiều năm trôi qua, Christine tỉnh dậy sau giấc ngủ dài với mái tóc xác xơ và ngắn ngủn, da má lẫn da cằm đều chảy xệ…Điều đó khiến Christine không thôi truy vấn về mình, về người đàn ông đang ngủ chung cùng cô. Và về những năm tháng thanh xuân bỗng dưng biến đi đâu mất. Gã đó có đúng là chồng, là người đã cùng cô ta đi hết một phần đời?…
Những câu hỏi chất chồng, đầy băn khoăn, lo lắng. Những sự kiện bất ngờ ập đến dồn dập, che lấp quá khứ trống rỗng mà chính Christine cũng sợ lật tung nó. Bật bãi mãi với chúng, cuối cùng Christine cũng có quyết định dũng cảm khi tìm mọi cách lật lại, đương đầu với quá khứ của chính mình nhờ sự giúp đỡ của Nash, vị bác sĩ tham gia điều trị hội chứng lãng quên của Christine.
Nhưng đi qua một ngày dài, ngụp lặn trong bộn bề kí ức, Christine lại nhanh chóng quên mất quá khứ sau giấc ngủ vùi. Để đối phó vấn đề này, Bác sĩ Nash đưa ra giải pháp hướng dẫn cô dùng nhật kí ghi lại từng sự việc đã xảy ra trước lúc ngủ.
Sự dày công tạo không khí hồi hộp khiến tiểu thuyết mang hơi thở trinh thám lắm lúc chậm chạp, dồn ứ và đầy ẩn ý khiến cảm xúc người đọc bị gián đoạn. Nhất là những đoạn độc thoại, nhớ nhớ quên quên được lặp lại quá nhiều lần. Mà theo dịch giả, nhằm đảm bảo tính khoa học khi nói đến căn bệnh như Christine.
Chứng mất trí nhớ kéo dài nhiều năm góp phần không nhỏ ngăn cản hành trình tìm lại những mảnh vụn kí ức của Christine. Có lúc tưởng chừng cô ta phải bỏ cuộc bởi những day dứt, yêu thương được cô mặc định với Ben "hiện tại", đủ ngọt ngào-thừa tử tế và đầy kiên nhẫn để lấp đầy bất ổn chớm nảy sinh trong cô.
Thế nhưng khi sự thật bị vùi lấp thì những ẩn ức vẫn còn nguyên vẹn. Trong vòng tay Ben, cái cảm giác bất an của người đàn bà từng làm mẹ, từng ngoại tình vẫn dậy sóng. Những con sóng dữ dội xô ngã hiện tại, cuốn cô ta quay về hoài niệm, sau rất nhiều năm lãng quên.
Câu chuyện như thời khắc của quả lắc đồng hồ, được tác giả thuật lại bằng những mảnh ghép tưởng rời rạc nhưng lại đầy toan tính, thông minh qua nhân vật Christine. Có lúc dữ dội, lúc khẽ khàng dịu nhẹ trôi lại gần ta mỗi ngày, qua những dòng nhật kí mặn chát, đẫm yêu thương mà cũng đầy ắp sai lầm "về một con người mà từ nhiều năm trước, ở thời điểm cần chồng mình nhất nhưng lại hiểu anh ấy ít nhất, đã tự khơi lên nguồn bi kịch".
Lỗi lầm vẫn ở đâu đó, trong tiềm thức người phụ nữ đánh mất con. Ẩn ức chồng chất, dồn nén sau quãng ngày say nắng trôi về. Con lắc mang theo quá khứ khẽ rung nhẹ, bật lại những thanh âm hẹn hò bất tận, lộ ra một vòng quay trần trụi, đầy nhục dục, khác hẳn những gì mà Christine trông đợi. Cuộc đời cô rơi vào vòng xoáy day dứt khôn nguôi, để rồi sau đó nhận ra, một lần nữa, rằng mình đã lầm, phải từng trả giá đắt cho những dấn thân vội vàng. Biến cố dần trở nên rõ ràng, rồi bất ngờ được gọi tên dù con tim tan vỡ.
Lúc đó, bạn chỉ mong là bạn của hôm qua. Có một con tim tan vỡ nghĩa là bạn phải đối diện cố gắng làm một điều gì đó để hàn gắn. Thế nên tại sao lại không thể cho phép mình nhẹ nhõm với sự tan vỡ đó.
Và nhiều năm sau, Ben vẫn có lúc ân hận, dù anh vốn mạnh mẽ, đầy bản năng, là kẻ chiến thắng tình trường trong bộ bó bảnh trai. "Em nghĩ là anh không ân hận sao? Anh ân hận vì những gì mình đã làm. Mỗi ngày đều thế cả, khi nhìn thấy em quá đỗi ngơ ngác, tuyệt vọng và bất hạnh".
Chính sự lựa chọn và đeo đuổi đối phương vội vã, bất chấp hệ luỵ đã khiến Ben cũng phải bỏ nửa cuộc đời ở lại bên người tình mất trí. Để giữ Christine trong vòng tay mình, Ben lộ dần bản ngã, nỗi sợ vì thế cũng lớn dần theo từng trang nhật kí mà Christine đang lắp ghép mỗi ngày, kiệt sức-vụn vỡ-hồi hộp-quyết liệt mà cũng không nguôi hi vọng.
Đến một lúc, "anh cứ nằm mãi trên giường, nghe thấy em trở dậy, nhìn anh, và anh biết em chẳng biết anh là ai cả. Nỗi thất vọng và bẽ bàng cứ bật ra khỏi em như những con sóng". Ben dần nhận ra tất cả sự đau đớn mà Christine phải đối mặt qua cái nhìn vô cảm mà cô dành cho anh mỗi sớm mai thức dậy.
Hụt hẫng, anh quyết định đưa Christine quay trở lại cầu cảng Brington, nơi chính gã đẩy Christine vào bi kịch của hôm qua. Để khép lại một đoạn đời buồn bã mà chính họ là những kẻ dự phần. Những ngày tro bụi có lùi dần khi ẩn ức được lấp đầy? Niềm tin, tình người liệu có liêu xiêu sau vạn ngày xa xăm? Và nhiều năm sau nữa, chúng ta rồi phải tập học cách tự lấp đầy ẩn ức, để tha thứ không còn là một món quà xa xỉ trong mỗi con người.
Tiểu thuyết "Trước lúc ngủ say" thu hút đọc giả bởi cách dẫn chuyện lôi cuốn, chỉnh chu về mặt tổng thể với khá nhiều tình tiết hấp dẫn. Những nhân vật ít nhiều được khắc hoạ rõ nét để truyền đi bức thông điệp "tình yêu là cái móc mỏng manh, treo cả một đời người lên đó.."
Chỉ tiếc là "chất" Ăng lê trong tác phẩm không nhiều, không được tác giả chú trọng cài đặt, mô tả để tạo nên không gian khác biệt. Cầu cảng Brighton, điểm nhấn được lựa chọn trong tiểu thuyết rất đắt giá, lại được mô tả khá sơ lược, đánh mất sự hấp dẫn của Brighton Pier, nhất là với những đọc giả đã từng tham quan cầu cảng nổi tiếng này.
Thành phố Brighton khá nhỏ (cách London một giờ đi tàu). Được mệnh danh là một trong những thành phố sạch nhất thế giới với bờ biển không có cát mà chỉ toàn sỏi thiên nhiên. Nối dài từ bờ ra biển là cầu cảng dài tuyệt đẹp, du khách có thể tắm nắng, nghe sóng vỗ về hoà cùng tiếng chim biển trắng muốt bay từng đàn trên bầu trời xanh. Thành phố này còn được gọi là seaside (con đường dọc bờ biển) với những quán bar ,rượu dọc bờ biển không cát. Ở Brighton còn có nhiều nơi để tham quan như: Royal Pavilion, Regency architecture, Victorian aquariums.
Tiểu thuyết "Trước Lúc Ngủ Say" ( Before I go to sleep) là tác phẩm văn học Anh đầu tay của nhà văn trẻ S.J. Walson được nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn chọn dịch. Dịch giả tiểu thuyết từng bật lên với truyện dài "Lối đi ngay dưới chân mình", tác phẩm tạo tiếng vang tốt trong dư luận và đoạt giải II văn học tuổi hai mươi lần thứ I. 16 năm sau, chị quay lại với văn chương với tiểu thuyết hấp dẫn này.
Đinh Quý Anh
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn