Ngày 28-2-1979, ngày tác phẩm truyện Tôm Jôn, đứa trẻ vô thừa nhận, lần đầu tiên xuất bản ở Luân Đôn, được xem là một cái mốc nổi bật trong lịch sử văn học Anh. Cho đến nay người ta vẫn coi tác phẩm này là một trong những tiểu thuyết giá trị nhất của nền văn học cổ điển phương Tây. Oantơ Xcôt đã gọi Finđinh là người sáng tạo ra tiểu thuyết hiện thực.
Tôm Jôn là câu chuyện về một đứa trẻ vô thừa nhận, kể lại cuộc tình duyên trắc trở của một thanh niên bị coi là dòng dõi hạ tiện với một thiếu nữ con nhà cao sang. Nhà văn Richơxơn cùng thời, viết cuốn Pamêla, nói về một cô hầu gái nhờ có đức hạnh và nhan sắc mà cuối cùng trở thành vợ cậu chủ trẻ tuổi con nhà quý phái. Sự khác nhau giữa hai tập truyện là ở chỗ câu chuyện Pamêla thì giả tạo, tác giả của nó đã bịa ra để minh họa cho yêu cầu răn đe đạo đức của Thanh giáo, còn câu chuyện Tôm Jôn thì rất thực, vì Finđinh đã dựa trên những tình tiết có thực trong cuộc sống, dựng lên một cốt truyện độc đáo, có sức khái quát một vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra với những con người thật. Tác phẩm có sức hấp dẫn và làm dư luận xôn xao là do nó có sức thuyết phục và đã đánh vào nhiều thành kiến cố hữu của xã hội mà giai cấp thống trị vẫn gia công củng cố…
Gấp cuốn truyện lại, chúng ta không thể không nhớ tới lời văn hào Thackơrây ca ngợi Finđinh: Thật là thiên tài, thật là mạnh mẽ; một trí thông minh sắc sảo, một khiếu quan sát tinh tế….