Con người ai cũng cần cơm ăn và chỗ nương thân. Nhưng một gia đình đích thực còn là cái gì hơn thế nữa. Con trẻ còn cần tình yêu và kỷ luật, nhưng vì chúng không thể biết sự khác nhau giữa điều Phải – Trái ngay từ lúc mới sinh, cho nên gia đình phải là nơi để chúng khởi đầu sự phát triển ý thức đạo đức ấy.
Việc truyền đạt các đức hạnh là một lẽ quan trọng đối với một gia đình, và cũng lưu ý rằng các đức hạnh là một trong những sợi dây ràng buộc để nối kết gia đình lại với nhau. Aristotle đã nói Đó là nét riêng của con người so với những động vật khác của trái đất này, cái để chỉ mình con người sở hữu sự nhận thức về Thiện và Ác, về Lẽ công bằng và Điều bất công, và những phẩm chất tương tự khác; và mọi thành viên liên kết trong các điều này để tạo nên một gia đình.
Và cũng từ gia đình, chúng ta biết phân biệt Đúng – Sai qua việc dưỡng dục và bao bọc của những người đã, đang và sẽ yêu thương chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Tính cách của chúng ta được hình thành dưới sự hướng dẫn của những điều được làm và những điều không được làm, và đó là những điều dạy bảo, những lời cổ vũ mà chúng ta gặp được trong phạm vi gia đình.
Và một điều nữa cũng ngang tầm quan trọng, là ý thức đạo đức của chúng ta nảy nở dưới ảnh hưởng của những mẫu mực nơi cha mẹ, các anh chị em của chúng ta. Trong thế giới thân thương của gia đình và tổ ấm, chúng ta học được những tập quán tốt để chúng ta bước vào hành trình khai phá thế giới.
Những bài học đầu đời này theo ta mãi mãi, kể cả sau khi ta rời gia đình. Bằng tình cảm và ký ức, chúng mãi mãi là một phần của con người ta, và thường là phần thân thương, trìu mến nhất của chúng ta. Ở đâu con người có thể tìm thấy sự ngọt ngào hơn chính gia đình và cha mẹ mình? Không phải ở những miền đất xa lạ, dù ở những nơi đó, anh ta có thể kiếm được một ngôi nhà bằng vàng.