Trong giới khoa học nhân văn, văn học, văn hóa Trung Quốc, tên tuổi của Kim Dung không xa lạ gì còn Ikeda thì được các giới biết đến là “đại sứ dân gian” văn hóa hòa bình và là nhà tư tưởng tôn giáo nổi tiếng.
Ikeda tiên sinh từng viết các sách “đối thoại” với các nhà khoa học, nhà văn, chính khách nổi tiếng trên thế giới; Kim Dung tiên sinh thì là nhà báo lâu năm, nhà tiểu thuyết Trung Quốc có nhiều độc giả nhất. Cuộc đối thoại giữa họ có thể được coi là cuộc đối thoại mang tính thế kỷ giữa hai vị đại diện ưu tú của hai nền văn hóa: Trung Quốc và Nhật Bản.
Hai vị đã nhiều lần hội ngộ ở Hồng Kông và Nhật Bản, đàm luận với nhau xoay quanh các vấn đề như sự trở về Trung Quốc của Hồng Kông, về lịch sử, về tự do ngôn luận, triết lý Phật học, sở thích văn chương…
Bằng những kinh nghiệm sống phong phú, sự mẫn cảm với thời cuộc, toàn bộ cuộc đối thoại của Kim Dung và Ikeda (được ghi thành 12 chương) thực sự là một cuộc giao lưu về mặt kiến thức, là “hưởng thụ quan trọng” về mặt tinh thần và tình bạn, mong muốn tiến bộ của học thuật và giáo dục sẽ cống hiến cho thế giới, xã hội và nhân dân, thúc đẩy hòa bình thế giới, giao lưu văn hóa giữa nhân dân các nước; và cuộc đối thoại ấy đã thu hút sự chú ý của không ít các vị trí thức.