Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều 74 Hiến pháp 1992 quy định Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong Hiến pháp phản ánh trình độ phát triển dân chủ hoá xã hội, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước, đấu tranh chống mọihành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời quyền khiếu nại, tố cáo của công dân cũng là phương tiện, công cụ để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước và có tác dụng góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để phát huy quyền dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại tố cáo đã được Quốc hội khoá X thông qua năm 1998 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.
Cùng với việc ban hành Luật khiếu nại tố cáo, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật… Đây là những bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá quan điểm đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng được những đòi hỏi, bức xúc của thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo…