Xem sách hay

Tiểu Luận Jean Piaget – Phát Hành Dự Kiến 10/09/2019

Mua ở đâu?
Jean Piaget

Jean Piaget (9/8/1896-16/9/1980): triết gia, nhà tâm lí học người Thụy Sĩ sử dụng tiếng Pháp, nổi tiếng thế giới qua sự nghiệp nghiên cứu quá trình nhận thức của trẻ em. Lí thuyết về phát triển nhận thức và quan điểm tri thức học của ông được gọi chung là “tri thức …

Tiểu Luận Jean Piaget: Tiểu Sự Tự Thuật Và Tuyển Chọn Các Bài Viết Dành Cho Đại Chúng

Cho tới tận trước thế kỷ 18, nghiên cứu tâm lí trẻ em vẫn chưa hình thành như một môn khoa học rõ rệt. Sự hiểu biết về trẻ em được dựa trên quan niệm cho rằng con trẻ phải đến một độ tuổi nào đó mới có “lí trí”. Nói chung người ta cho rằng đó là vào quãng 6-7 tuổi. 

Jean-Jacques Rousseau là người đầu tiên thừa nhận tầm quan trọng của tâm lí học trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1762, trong lời tựa cho quyển Émile ou de l’éducation [Émile hay và về giáo dục], ông viết: 

[…Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ, thì càng đi, càng lạc lối. Những bậc thông thái chỉ chuyên chú vào những điều con người cần biết …Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ, mà không nghĩ về tình trạng hiện hành của đứa trẻ trước khi nó lớn….Vậy, xin người lớn hãy bắt đầu bằng việc thực sự nghiên cứu học trò của mình… ]

Như vậy, Rousseau đã bắt đầu ý thức được về một thực tại tâm lí ở đứa trẻ. Năm 1877, Charles Darwin xuất bản Esquisse biographique d’un petit enfant [Phác thảo tự truyện về một bé thơ]. Trong sách này ông kể lại những quan sát của ông về đứa cháu nội, C. Darwin. Những ghi chép được ông ghi lại thành một cuốn nhật kí dài, mỗi quan sát, mỗi sự kiện đều được ghi lại tỉ mỉ, đề rõ ngày tháng kèm theo những giải thích trong tư cách một “nhà tâm lí học thực nghiệm” thực thụ:

[… Trong bảy ngày tuổi đầu tiên cháu tôi đã làm nhiều động tác phản xạ. Chẳng hạn cháu hắt hơi, nấc, ngáp, vươn mình, và tất nhiên là cả bú tí và khóc. Ngày thứ bảy, tôi thử lấy một miếng bìa chạm vào gan bàn chân của nó, thế là nó rụt rất nhanh chân lại, đồng thời cụp các ngón chân lại như một đứa trẻ ở độ tuổi lớn hơn vẫn làm khi bị cù. Việc hoàn thiện các động tác phản xạ này chứng tỏ không phải là nhờ tình trạng cơ bắp hay sự phối hợp của cơ bắp, mà là nhờ ý chí … Ngày thứ 114, nó lướt nhẹ bàn tay dọc theo một ngón tay của tôi, cách nó làm cho thấy nó có khả năng nắm lấy đầu ngón tay tôi để đưa lên miệng mút. Việc làm này xảy ra nhiều lần, hiển nhiên đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là một hành vi có lí trí. Những động tác có ý chí của đôi tay và cánh tay là có trước những động tác của cơ thể và đôi chân…]

Hai nhân vật lỗi lạc, hoạt động trong hai lĩnh vực khác nhau: Rousseau, trong nhiều lĩnh vực (triết học, viết văn, nghiên cứu âm nhạc), còn Darwin, một nhà tự nhiên học [naturalist], cha đẻ của thuyết về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, đã mở đầu, dù ngẫu nhiên, cho sự ra đời của nghiên cứu tâm lí trẻ em, và báo trước hai con đường nghiên cứu: con đường đi từ ý tưởng của Darwin về sự tiến hóa tự nhiên của trí khôn ở loài vật và ở loài người, tức qua sự tiến hóa của loài [phylogenèse] – nghiên cứu theo lối mô tả [descriptif] và con đường lí giải [explicatif], nhất là kể từ giai đoạn hậu kì của Jean Piaget, tức theo hướng của các của sự phát sinh cá thể [ontogenèse].

Vì thế Piaget quan tâm tới nghiên cứu giai đoạn thơ ấu, đặc biệt từ 0-2 tuổi. Các nhà nghiên cứu đều chọn giai đoạn thơ ấu, song điểm mới của Piaget là ông xem thời thơ ấu như một mảnh đất “thực nghiệm” của tri thức luận [épistémologie], hay nghiên cứu về nhận thức như cách gọi sau này [cognition]. Tâm lí học Piaget được gọi là tâm lí học sinh triển [psychologie génétique]. Tâm lí học sinh triển nghiên cứu trẻ em để tìm giải pháp cho những vấn đề chung chứ không chỉ vì tâm lí trẻ em. Cho nên tâm lí học sinh triển, hiểu theo nghĩa hẹp, cũng là tâm lí học trẻ em, song không phải mọi tâm lí học trẻ em đều là tâm lí học sinh triển.

Nói một cách vắn tắt, tâm lí học sinh triển nghiên cứu sự phát triển của trẻ em qua đó lí giải sự vận hành của trí khôn người. Vì thế tâm lí học sinh triển đôi khi còn được gọi là tâm lí học phát triển (psychologie du développement), chủ yếu là theo cách gọi của giới tâm lí học Anh-Mỹ. 

“Tri thức luận sinh triển không lẫn vào tâm lí học sinh triển. Bản thân tâm lí học sinh triển cũng không đồng nhất với tâm lí học trẻ em. Tâm lí học trẻ em đi vào nghiên cứu trẻ em xét như là trẻ em, trong khi tâm lí học sinh triển nghiên cứu trẻ em để tìm ở đó giải pháp cho những vấn đề tổng quát, chẳng hạn cơ chế của trí khôn, của tri giác v.v. bởi lẽ chỉ có bằng nghiên cứu những cơ chế như vậy ta mới cung cấp được những minh giải có tính nhân quả … Cũng vậy, tri thức luận sinh triển có mục đích nghiên cứu sự hình thành nhận thức xét như là nhận thức, tức các mối tương quan có tính nhận thức giữa chủ thể và đối tượng.” (Lời tựa do Piaget viết cho Từ điển Tri thức luận sinh triển [Dictionnaire d’Epistémologie Génétique] do Antonio M. Battro chủ biên (xuất bản năm 1966: D. Reidel Publishing House Company/Dordrwecht-Holland).

Như vậy, tâm lí học trẻ em của Piaget có điểm xuất phát từ tri thức luận sinh triển và tâm lí học sinh triển. Năm 1928, Piaget gặp gỡ nhà bác học Albert Einstein tại một hội thảo về triết học tại Davos, Thụy Sĩ. Einstein đã khuyến khích Piaget đi vào nghiên cứu các cách thức con trẻ hình thành quan niệm về thế giới ở bên ngoài. Khi đó Einstein đã 50 tuổi, Piaget 32 tuổi. Những gợi ý của Einstein đã khuyến khích Piaget thực sự đi vào nghiên cứu tâm lí học trẻ em, bắt đầu từ những thực nghiệm với ba con nhỏ của chính ông: Jacqueline, Lucienne và Laurent. 

Có thể nói vắn tắt phát hiện có tính nền tảng của tâm lí học trẻ em Piaget: đứa trẻ bắt đầu “thông minh” là kể từ lúc nó hiểu được nguyên tắc “tồn tại thường xuyên của vật” [la permanence de l’objet], tức nguyên tắc theo đó một vật vẫn tiếp tục tồn tại (thường tồn) khi thoát khỏi sự tri giác trực tiếp của đứa trẻ. Nói khác đi, tức là khi đứa trẻ bắt đầu có biểu tượng trong đầu [representation], bắt đầu là giai đoạn cảm giác-vận động [sensori-moteur]. Tiếp theo là giai đoạn các thao tác cụ thể [opérations concrètes], đứa trẻ có thể đếm, phân loại, sắp xếp các vật và cuối cùng là giai đoạn của thao tác hình thức, khi trẻ đã đến tuổi vị thành niên. Đứa trẻ có thể lập luận dựa trên những ý tưởng, những giả thuyết, biết đưa ra, rút lại hoặc thay thế một giả thuyết v.v. 

Tập tiểu luận này nằm trong khuôn khổ Tủ sách Tâm lí học Giáo dục của Nhóm Cánh Buồm, một nhóm nghiên cứu giáo dục và biên soạn sách giáo khoa bậc phổ thông được thành lập cách đây 10 năm. Chủ trương của Nhóm đề ra ngay từ đầu là muốn dạy trẻ em thì phải hiểu trẻ em và hiểu trẻ em thì mới có thể dạy trẻ em. Đến nay riêng về Piaget, Tủ sách, ra đời năm 2014, đã dịch và xuất bản ba quyển quan trọng nhất về tâm lí học trẻ em: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em [La naissance de l’intelligence chez l’enfant]; Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em [La formation du symbole; Sự xây dựng cái thực ở trẻ [La construction du réel chez l’enfant].

Tập tiểu luận gồm các bài viết có tính phổ cập của Piaget, đề cập hầu hết những chủ đề quan trọng của tâm lí học Piaget. Ngoài ra còn có bài viết về Piaget của hai tác giả quan trọng: John H. Flavell, người đầu tiên giới thiệu Piaget vào tâm lí học ở Mĩ và Howard Gardner, được xem là một trong những nhà nghiên cứu giáo dục có tư tưởng cách tân nhất hiện nay. Howard Gardner là tác giả của thuyết về nhiều dạng trí khôn [theory of multiple intelligences]. Bản dịch tiếng Việt Cuốn Frame of Mind – Theory of Multiple Intelligences của Howard Gardner do nhà giáo Phạm Toàn người sáng lập Nhóm Cánh Buồm dịch đã được xuất bản năm 1997 với đầu đề “Cơ cấu trí khôn – Lí thuyết về nhiều dạng trí khôn”. Cuốn sách sau đó đã được tái bản nhiều lần. Bốn cuốn khác của Howard Gardner sắp ra mắt, đều của Tủ sách Tâm lí học Giáo dục Cánh Buồm.

Phần đặc sắc nhất của tập tiểu luận này có lẽ là Tiểu sử tự thuật của Jean Piaget. Tiểu sử tự thuật này được Piaget viết trong nhiều năm, thuật lại hành trình tư tưởng và các hoạt động của ông từ lúc là một cậu học sinh trung học sớm có tư chất nghiên cứu khoa học cho tới vài tháng trước khi ông qua đời năm 1980. Các bạn sinh viên sư phạm hoặc những ai muốn theo đuổi nghề dạy học có thể tìm thấy ở tiểu sử tự kể này nhiều gợi ý và ý tưởng truyền cảm hứng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phạm Anh Tuấn

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?