Tiếng Việt Trong Tiếp Xúc Ngôn Ngữ Từ Giữa Thế Kỷ XX
Ngày nay việc tiếp xúc giao lưu hợp tác cùng phát triển đã là một hiện thực sinh động đồng thời cũng là một nhu cầu cần thiết của mọi dân tộc, quốc gia. Việc tiếp xúc, giao lưu, hợp tác càng rộng mở thì càng có điều kiện để trao đổi, học tập, tiếp biến để phát triển. Nội lực càng khỏe mạnh, chủ thể tiếp xúc càng có bản lĩnh thì càng có nhiều khả năng tiếp biến, sáng tạo, có hiệu quả để làm nội lực càng khỏe mạnh cường tráng hơn, sự phát triển càng nhanh và bền vững hơn. Trong các quá trình tiếp xúc rộng lớn thì việc tiếp xúc vay mượn ngôn ngữ với các ngoại ngữ và với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số anh em trong nước ta là kết quả, đồng thời là sức mạnh, là công cụ hữu hiệu của sự giao lưu hợp tác cùng phát triển.
Bằng các nguồn tư liệu thực tế phong phú và mới mẻ kết hợp với sự phân tích, lý luận nhẹ nhàng, ý tứ sáng rõ, tác giả Vương Toàn đã giới thiệu một bức tranh toàn cảnh sự tiếp xúc, vay mượn hai chiều của tiếng Việt với các ngoại ngữ và một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay. Nét mới của tập sách, so với các công trình đã công bố cùng chủ đề, không chỉ giới hạn về thời kỳ nghiên cứu mà còn ở những điểm nhấn về nội dung. Tác giả đã cho thấy trong thời gian hơn nửa thế kỷ qua, vị trí tiếp xúc vay mượn ở tiếng Pháp có sự thay đổi lớn, song từ gốc tiếng Pháp trong tiếng Việt vẫn giữ dấu ấn khá ổn định và có đời sống riêng. Yếu tố Hán – Việt vẫn có vai trò bổ sung cho vốn từ tiếng Việt. Tiếng Nga cũng để lại một nét nhấn trong đời sống ngôn ngữ Việt Nam. Tiếng anh có vị thế mới và có vai trò lớn trong đời sống xã hội ngày nay. Điểm độc đáo có thể nhận thấy ở công trình này là lần đầu ở nước ta tác giả đưa một hướng nhìn và một số tư liệu ghi dấu tiếng Việt trong tiếng Pháp. Đặc biệt tác giả chỉ rõ ảnh hưởng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đối với tiếng Việt và từ vay mượn từ Việt ngữ trong ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở nước ta.
Đọc từng phần hoặc cả công trình này của tác giả Vương Toàn, hẳn bạn không chỉ là người tiếp nhận, hiểu biết thụ động mà còn là chủ thể lựa chọn tiếp biến sáng tạo để làm thêm giàu, thêm đẹp tiếng Việt và văn hóa Việt Nam muôn quý ngàn yêu của chúng ta.
Mời bạn đón đọc.