Thời Thơ Ấu:
Liệu có thời kỳ nào có thể đẹp hơn thời thơ ấu? Đọc cuốn truyện này bạn sẽ thấy được giá trị của thời thơ ấu ấy như thế nào, liệu có đúng như lời tựa viết: “Chẳng nhẽ cuộc đời lại để lại trong trái tim tôi những dấu vết nặng nề đến nỗi những giọt nước mắt ấy và những niềm hân hoan ấy vĩnh viễn rời bỏ tôi hay sao? Chỉ còn lại những hồi ức thôi hay sao?”.
“Gần cửa sổ, trong một gian phòng chật hẹp tranh tối tranh sáng, bố tôi mặc quần áo trắng nằm ngay dưới sàn. Thân hình bố tôi dài lạ thường, ngón chân xoè ra nom rất kì quái; hai bàn tay dịu dàng nghiêm nghị để trên ngực, nhưng ngón tay co quắp. Hai đồng xu đen tròn bằng đồng che kín cặp mắt tươi vui của bố tôi; khuôn mặt vẫn hiền từ nay tối sầm lại. Hai hàm răng nhe ra làm tôi sợ hãi.
Mẹ tôi mặc chiếc váy đỏ, áo trễ ở ngực, quỳ bên cạnh và lấy chiếc lược đen, mà tôi vẫn thích dùng để chứa vỏ dưa hấu, chải mái tóc dài và mềm mại của bố tôi từ phía trán ra sau gáy. Mẹ tôi lẩn thẩn nói gì không rõ: giọng trầm khàn khàn. Cặp mắt mầu tro của mẹ tôi sưng húp và như tan ra thành những giọt nước mắt lớn chảy ròng ròng.
Bà tôi giữ tay tôi. Bà tôi người béo tròn có cái đầu lớn, cặp mắt rất to và chiếc mũi xôm xốp nom rất buồn cười; bà tôi mặc toàn đồ đen, mềm dịu và có gì đó trông đến hay. Bà tôi cũng khóc, tiếng khóc nghe khác thường, trầm bổng hình như hoà theo những lời than vãn của mẹ tôi. Toàn thân run run, bà tôi kéo tôi và đẩy lại gần chỗ bố tôi. Nhưng tôi cưỡng lại và nấp phía sau lưng bà; tôi vừa sợ hãi vừa bối rối.
Chưa bao giờ tôi trông thấy người lớn khóc và tôi không sao hiểu được những lời bà tôi nhắc lại:
– Cháu từ biệt bố cháu đi, không bao giờ cháu được thấy bố nữa đâu, tội nghiệp, bố cháu chết sớm quá, chưa phải lúc…
Tôi bị ốm nặng, vừa mới dậy. Trong lúc tôi ốm – tôi còn nhớ rất rõ – bố tôi nô đùa với tôi rất vui vẻ, sau đó bỗng nhiên bố tôi biến đâu mất, và bà ngoại tôi, con người kì lạ ấy, đã thay thế bố tôi.
– Bà đi từ đâu đến thế? – tôi hỏi bà tôi:
Bà đáp:
– Từ phía trên, từ Nijni đến. Bà không đi bộ, mà đi tàu thuỷ đến! Người ta không thể đi bộ trên mặt nước được, ông mãnh ạ,
Câu trả lời đó thật là buồn cười và khó hiểu. Ở trên nhà này chỉ có mấy người Ba Tư rậm râu và tóc nhuộm; còn ở dưới hầm nhà thì có một ông lão da vàng người Canmức làm nghề bán da cừu. Từ trên có thể cưỡi tay vịn cầu thang trượt, điều đó tôi biết rất rõ…”.
Mời bạn đón đọc.