Xem sách hay

Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Mua ở đâu?
Sơn Táp

Sơn Táp

Sơn Táp (phiên âm theo La tinh là Shan Sa) sinh năm 1972 tại Bắc Kinh. Năm 1990 cô rời Trung Quốc sang Pháp, nơi có học ở Paris và làm việc hai năm cho hoạ sĩ Balthus.

Tác phẩm đầu của cô là Thiên An môn đã giành tặng thưởng Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay năm 1998; cuốn tiếp theo Bốn cuộc đời của cây liễu đã giành Giải thưởng Cazes năm 1999. Đặc biệt, với tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây, Sơn Táp đã được trao giải thưởng Goncourt cho giới trẻ năm 2001.

Tại một đô thị hẻo lánh vùng Mãn Châu những năm 1930, một thiếu nữ mười sáu tuổi băn khoăn nhiều đến những chuyện riêng tư con gái của mình hơn là cuộc xung đột thù hận giữa đồng bào mình với quân xâm lược Nhật Bản.

Vẫn còn là nữ sinh trung học, nàng đã chọn được người tình đầu tiên của mình, một sinh viên kháng chiến, nhưng càng dấn sâu vào cuộc đời của người lớn, nàng càng thấy khỉnh bỉ nó, và nàng càng mê đắm vào những cuộc cờ vây mà nàng vẫn bày hàng ngày trên quảng trường Thiên Phong.

Tại nơi đó, một sĩ quan Nhật cải trang đã trở thành kỳ thủ đáng gờm nhất của nàng. Và cùng với những trận cờ, cuộc đời phong kín của họ dần dần lộ ra, thay đổi, một mối tình không ai nói, với những thế cờ khiến họ xích lại gần hơn số phận dị thường của họ.

Trong Thiếu nữ đánh cờ vây, Sơn Táp (Shan Sa) đã chưng cất những xúc cảm của tuổi hoa niên thành một câu chuyện mê đắm, đẹp đẽ một cách khắc khổ, về tình yêu, sự tàn bạo và sự mất đi của tuổi ngây thơ trong trắng.

Chừng mực… Chính xác… Cái phông lịch sử mãnh liệt ở phía sau đã tạo ra một khung cảnh hấp dẫn cho câu chuyện về một mối tình tưởng như không thể. – Sara Ivry, San Francisco Chronicle

Điều làm cho tiểu thuyết của Sơn Táp khiến ta thoả mãn chính là sự giản đơn giả bộ trong cách kể chuyện của cô… Ta dõi theo một cách say mê khi những bí mật khủng khiếp của cuộc đời họ bắt đầu trùng hợp với nhau… – Charles Matthews, San Jose Mercury News

Sơn Táp đã duy trì được những khoảng lặng với sự sáng suốt vượt ra ngoài tầm tuổi của cô. – Elsa Gaztambide, Booklist.

Mời bạn đón đọc.


Cuộc cờ của số phận
Thiếu nữ đánh cờ vây – Sơn Táp (Tố Châu dịch từ nguyên bản tiếng Pháp – NXB Văn Học, 2005): Một thiếu nữ Trung Quốc 16 tuổi đang khao khát tìm kiếm chính mình. Một sĩ quan Nhật Bản đi tìm thú vui cho khuây khỏa những nặng nhọc của cuộc đời viễn chinh.

Hai con người của hai dân tộc khác nhau, thù nghịch nhau, hai cá thể, hai khối cô đơn, đã chạm nhau ở bàn cờ vây giữa đất trời Mãn Châu đầy chết chóc và hận thù. Những ván cờ được bày ra, những nước cờ được đi và hai kỳ thủ câm lặng dõi theo nhau, tìm kiếm nhau, lại gần nhau và xa cách nhau. Đó là cuộc cờ vây, và đó cũng là cuộc cờ sinh tử, cuộc cờ số phận.

Sơn Táp – nhà văn nữ Trung Quốc, sinh 1972, hiện sống ở Pháp – đã viết nên một cuốn tiểu thuyết độc đáo, từ cốt truyện đến cách tự sự ở ngôi thứ nhất của hai giọng kể, để thể hiện những băn khoăn của kiếp người trong một thế giới chao đảo và bất trắc. Cuốn sách này đã được trao giải Goncourt cho giới trẻ. Bản dịch tiếng Việt thanh thoát, truyền cảm.

PHẠM XUÂN NGUYÊN ( TT 020605)

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây
(Thứ Ba, 24/10/2006)

Ca sĩ Thanh Lam: Thiếu nữ đánh cờ vây làm tôi say mê

TT – – Sách ra khá lâu rồi nhưng gần đây một người bạn mới khuyên tôi “rất nên đọc”. Tôi ra hiệu sách mua và khá vui mừng vì sách… tương đối mỏng.

Nhưng đọc rồi mới thấy tiếc vì nó nhanh hết quá. Thú thật là tôi không đủ thời gian để đọc một mạch. Tôi đọc chủ yếu trên máy bay. Và mỗi lần cầm sách lên là một lần hồi hộp. Vì ngắt đoạn của tôi bao giờ cũng vào lúc cô gái (hoặc người đàn ông) bỏ về sau khi kết thúc một trận cờ vây. Là dân nhạc nên tôi rất thích cái nhịp của truyện. Mỗi lần bày bàn cờ là một nhịp khác nhau: chậm rãi, buông thả, cay cú, gay cấn, gấp gáp, kích thích… Tôi không bao giờ đoán được kết thúc của ván cờ sẽ như thế nào, cũng như không bao giờ đoán được người đàn ông sẽ phản ứng thế nào (mặc dù tôi dễ dàng đoán được diễn biến tâm lý của cô gái). Chính sự bất ngờ đó tạo nên sức lôi cuốn.

* Còn câu chuyện tình éo le đó chẳng lẽ không hấp dẫn chị hay sao?

– Nhà văn Sơn Táp là người Trung Hoa, nhưng chắc chắn do ảnh hưởng Tây học nên cô ấy đã cố tình sắp đặt xung đột chính trị và tình ái theo kiểu rất Tây, và được chăm chút bằng những chi tiết đậm đặc chất Trung Hoa. Chuyện tình vì thế có thêm chất lãng mạn của tiểu thuyết phương Tây khi viết thân phận con người mà tiểu thuyết phương Đông truyền thống không có. Tôi thích chất lãng mạn sương khói của câu chuyện tình đó hơn là bản thân câu chuyện tình, vì chuyện tình thì thật ra luôn luôn… cũ.

* Hơi lạ nhỉ, một giọng hát và một phong cách “bốc lửa” như Thanh Lam lại chỉ thích những câu chuyện lãng mạn?

– Chỉ sự lãng mạn mới tạo được cảm xúc. Ai không biết chứ tôi hát mà không có cảm xúc thì chịu, không cất giọng lên được. Thiếu nữ đánh cờ vây thì tràn đầy sự lãng mạn…

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?