Xem sách hay

Theo Dấu Chân Phật – Tập 2

Mua ở đâu?
Ajahn Sucitto

Ajahn Sucitto sinh năm 1949 tại London. Sau khi học đại học, thầy du hành đến phương Đông, trở thành tỳ kheo ở Thái Lan năm 1976. Từ năm 1978 thầy trở lại Anh làm đệ tử của Ajahn Sumedho. Năm 1992 thầy trở thành trụ trì của Cittivaveka, Tăng viện Chithurst. Hiện thầy hướng dẫn …

Nick Scott

Tiến sĩ Nick Scott sinh năm 1952. Năm 1972 ra trường, ông sang Ấn Độ, ở đó bắt đầu quan tâm đến thiền Phật giáo. Ba năm sau ông về lại Anh và đạt học vị tiến sĩ về Sinh thái học Thực vật. Ông làm việc trong các khu bảo tồn thiên nhiên, và cũng dành nhiều thời gian hướng …

Cuốn sách này là tập hai. Tập một mở đầu một tường thuật về chuyến hành trình trường thi sáu tháng của hai người Anh, một thầy tu và một cư sĩ, đến những nơi linh thiêng của Phật giáo ở Ấn Độ. Trong chuyến hành hương đi bộ hơn một ngàn cây số này qua một trong những nơi đông dân nhất hành tinh, chúng tôi đã đi khất thực để độ nhật – như ngày xưa chư tăng từng làm – và ngủ dưới sao trời. Tập một đã là chuyến phiêu lưu lý thú. Mặc dù phần hai hành trình vẫn có phần phiêu lưu riêng, và một vài cuộc chạm trán thú vị với động vật hoang dã, nhưng cái mới lạ của nỗ lực đã vơi bớt, nên chúng tôi được đối mặt với nhân tính sâu xa hơn của mình và của người. Vì vậy mà với chúng tôi thì trong hai tường thuật, phần tiếp theo này quý giá hơn.

Bạn không cần phải đọc tập một mới thưởng thức và chia sẻ được những thử thách cam go, niềm vui, và những bài học của chúng tôi ở đây, nhưng có lẽ một chút bối cảnh sẽ làm cho câu chuyện rõ ràng hơn. Ajahn Sucitto không phải thầy trụ trì Tăng viện Chithurst, cũng chẳng phải vị thầy tiếng tăm như ngày nay khi sư phụ của thầy, Ajahn Sumedho, chọn thầy để đáp lại lời mời của Nick đưa một thầy tu theo chuyến hành hương, còn Nick thì vẫn là người phụ trách bảo vệ động vật hoang dã. Chuyến đi bộ đã bắt đầu thật thích hợp tại Lumbini, nơi Đức Phật đản sanh ngay trong biên giới Nepal. Từ đó chúng tôi vượt qua biên giới vào bang Bihar, ngày nay là bang nghèo nhất, đông dân nhất, lạc hậu nhất Ấn Độ nhưng đã từng là trung tâm của nền văn minh Ấn Độ và địa điểm của biết bao sự kiện trong cuộc đời Đức Phật.

Mùa thu năm 1990, khi chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương, ban ngày vẫn còn nóng như thiêu đốt, và hầu như chúng tôi dừng chân ở đâu cũng thấy tức thì xuất hiện từng đám người tọc mạch. Chúng tôi thường lặn lội đi tiếp cho đến khi màn đêm buông xuống chỉ để tìm nơi nào đó cho được yên thân, bày một bàn thờ nhỏ để tụng niệm và cố gượng thiền rồi cũng rã rời ngủ thiếp đi. Sau khi lại làm lễ puja rồi thiền khi bình minh vừa rạng, có lẽ chúng tôi sẽ đi được vài cây số nữa rồi trời bắt đầu nóng nực. Đến gần trưa chúng tôi thường vào làng, ngồi xuống đâu đó, chờ một lời mời ăn – mà, kỳ lạ thay, hầu như luôn xuất hiện. Ban đầu, Ajahn Sucitto muốn mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng dần dà rồi sự cam go nơi cái chúng tôi đang cố thực hiện đã dẫn đến một đĩa nho nhỏ đậu gà hay ít bánh quy lúc dừng chân buổi sáng trong quán trà. Sự chu cấp và bố thí chúng tôi nhận được dường như thật kỳ diệu – chúng tôi chỉ chịu đói có ba ngày.

Mới đầu thì cái thách thức chủ yếu nằm ở sự gắng gượng của thể xác – duy trì việc đi bộ trong cái nóng ngày này qua ngày khác bằng chế độ dinh dưỡng thiếu hụt và sự kiệt sức vì từng trận kiết lỵ. Những vết đứt nhỏ mưng mủ lên nên dần dà Ajahn Sucitto bị vết thương ở bàn chân, và do thiếu chất đạm nên chúng tôi còn không nghĩ cho thông suốt được nữa là. Rồi những khác biệt về tính cách bắt đầu gây tác hại: Nick theo đuổi những vết tích động vật hoang dã còn lại giữa cả nhân loại ấy, Ajahn Sucitto một lòng với siêu việt thì lại không hứng thú với cảnh vật. Thầy chỉ muốn đi vào nội tâm.

Đến Rajgir, một nơi nghỉ ngơi ưa thích của Đức Phật, chúng tôi đã xuống tận đáy. Trong cánh rừng đích thực đầu tiên chúng tôi tới, chúng tôi bị toán thổ phỉ tay cầm rìu từ rừng xuất hiện trấn lột. Chúng tôi mất gần hết: tiền bạc, hộ chiếu, đồ hạ trại, máy ảnh, thậm chí gần hết áo quần. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thường như vậy, tai ương đã có khía cạnh nhân từ: sau khi bị lột gần trụi lũi, chúng tôi được lòng quảng đại và từ tâm của người khác khích lệ và tác động sâu xa hơn. Về vật chất thì chúng tôi đã có quần áo cùng trang bị mới và đủ tiền để mua vé xe lửa đi Calcutta, là nơi chúng tôi hy vọng đổi lại hộ chiếu, séc du lịch, và vé máy bay để còn tiếp tục. Nhưng sự mong manh yếu đuối còn khiến chúng tôi khiêm nhường hơn, phơi phới hơn, và tự do hơn. Ấn Độ nện chúng tôi một trận tơi bời và, một cách kỳ lạ nào đó, chúng tôi đã qua được thử thách. Có lẽ phần tiếp theo trong chuyến hành hương, nếu chúng tôi được phép thực hiện, sẽ khác – sáng suốt hơn, từ bi hơn – thậm chí đúng là cung cách cần có của một chuyến hành hương.

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?