Các nhà lãnh đạo hiện nay cần phải động viên, tương tác, lắng nghe và trong mọi tình huống giao tiếp với nhân viên cũng như khách hàng. The Hero Factor thảo luận về tầm quan trọng của văn hóa công ty như là xương sống của bất kỳ doanh nghiệp đang và sẽ thành công nào. Các công ty có khả năng lãnh đạo nhưng lại bác bỏ tầm quan trọng của tính minh bạch sẽ có nhiều khả năng bị kêu gọi vì không tuân theo các tuyên bố về sứ mệnh và mục tiêu trên trang web chính thức của họ.
Tìm hiểu và học cách phát triển các đặc điểm của công ty sẽ giúp những nhà kinh doanh trở thành anh hùng, thay đổi cách thức vận hành tổ chức, sống theo giá trị và sau đó là hình thành nên một nền văn hóa doanh nghiệp hùng mạnh nơi họ:
• Đầu tư vào con người như một con đường để hòa nhập
• Tái hiện vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp vượt ngoài tầm chính trị
• Phục vụ người khác/lợi ích chung
• Tạo ra thế hệ lãnh đạo anh hùng tiếp theo
Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra rằng tinh thần lãnh đạo quả cảm là một lựa chọn – lựa chọn để trở nên hơn cả tốt đẹp, hơn cả vĩ đại dù bạn có đang ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Tinh thần lãnh đạo quả cảm không chọn bạn. Đó là sự lựa chọn có ý thức của các công ty và các nhà lãnh đạo: để quyết định thứ mà họ coi trọng là gì và giữ bản thân họ chịu trách nhiệm hiện thực hóa những giá trị đó một cách nhất quán và bền bỉ trong tất cả mọi việc họ làm. Đây là nơi cuộc hành trình Nhân tố quả cảm của chúng ta bắt đầu. Trong phần đầu tiên này, tôi sẽ chỉ dẫn cho bạn biết lời kêu gọi hướng tới tinh thần lãnh đạo có thể mang dáng vẻ như thế nào đối với bạn (Xét cho cùng, mọi câu chuyện khởi nguồn đều khác nhau.) Sau đó, chúng ta sẽ đưa ra một định nghĩa về Nhân tố quả cảm và học cách để có thể đo lường được nhân tố này.
Mục lục:
Câu chuyện khởi nguồn
Phần 1: Lời kêu gọi hướng tới tinh thần lãnh đạo quả cảm và nhân tố quả cảm
Phần 2: Quyết tâm quả cảm: Các giá trị của bạn
Phần 3: Quyết tâm quả cảm: Cách bạn đánh giá người khác
Phần kết
Người hùng dám đứng lên: Di sản của bạn sẽ là gì?
Bản đánh giá nhân tố quả cảm?
Thông tin tác giả:
Jeffrey W. Hayzlett là một nhà kinh doanh nổi tiếng toàn cầu và là diễn giả, tác giả, biên tập viên và người dẫn của chương trình C-Suite cùng Jeffrey Hayzlett trên C-Suite TV. Ông là CEO của The Hayzlett Group, một công ty tư vấn quốc tế tập trung vào dẫn dắt sự thay đổi và phát triển để tăng trưởng cao.
Jim Eber là một nhà văn và cộng tác viên marketing kỳ cựu chuyên về kinh doanh và thực phẩm. Ông đã làm việc với nhiều cây viết mới và những người khai sinh của nhiều dự án. Ông cũng từng là tác giả của cuốn sách bán chạy The Mirror Test: Is your business really breathing?
Trích đoạn sách:
TƯ DUY QUẢ CẢM
Ý nghĩa của việc sở hữu một tư duy quả cảm chính là các nhà lãnh đạo, doanh nhân và chủ doanh nghiệp ngày nay biết rằng họ không thể chỉ chăm chăm phục vụ khách hàng, cổ đông, bản thân rồi kỳ vọng nhân viên của họ sẽ chịu nhận lấy phần đầu thừa đuôi thẹo. Họ cần kết nối, lắng nghe và cho người) của họ (cũng như khách hàng, đối tác, đại lý và cộng đồng) tham gia vào các buổi họp bàn kinh doanh. Họ phải khiến những con người đó cảm thấy rằng mục tiêu của họ ăn khớp với các mục tiêu của doanh nghiệp và những người đứng đầu doanh nghiệp bởi thực tế chúng vốn là như vậy. Bởi lẽ họ sở hữu các giá trị thực chất. Các giá trị không chỉ tồn tại trên giấy tờ, trong những lời tuyên bố về sứ mệnh hay bản cáo bạch hàng năm của công ty mà còn được quan sát thấy mỗi ngày trong nền văn hóa của tổ chức.
Đó là bước cần thiết đầu tiên để các công ty và lãnh đạo bộc lộ được Nhân tố quả cảm. Bạn có thể đang làm như vậy rồi. Tôi tin rằng hầu hết các doanh nghiệp và lãnh đạo về cơ bản là tốt, giống như tôi và doanh nghiệp của tôi vậy. Họ muốn trở thành người hùng. Chỉ là họ chưa tiến xa như họ tưởng trong việc hiện thực hóa, dẫn dắt và kết nối các giá trị của họ lan tỏa ra toàn bộ tổ chức mà thôi. Hoặc có lẽ họ đang làm ăn tốt trong một khoảng thời gian dài nhưng lại bị mắc kẹt trong câu chuyện của chính họ. Họ đã trở thành người hùng hoặc gần chạm vạch đích và mắc phải căn bệnh tự mãn để rồi thất bại trong việc đầu tư một cách nhất quán và kiên trì vào khách hàng, đồng thời lắng nghe khách hàng cũng như thị trường. Họ thất bại trong việc đào tạo nhân viên:
Thoát khỏi hiện trạng rồi tạo dựng và duy trì môi trường văn hóa quả cảm;
Phục vụ mọi người và những lợi ích chung;
Tránh những “lý do tại sao không” và tránh sa ngã khi mọi việc trở nên khó khăn;
Phấn đấu tạo ra thế hệ lãnh đạo quả cảm kế cận.
Đó là những gì tôi đã nhận ra về bản thân và cũng là những gì mà The Hero Club cần. Nhiều năm trước khi tôi tham gia, câu lạc bộ chỉ chấp nhận CEO hay lãnh đạo của các công ty có trị giá hàng tỷ đô-la. Tôi đã tranh luận rằng mặc dù yếu tố tối ưu hóa hệ thống vận hành và doanh thu bền vững là rất quan trọng, bạn không nhất thiết phải xuất thân từ những gia đình danh gia vọng tộc thì mới có đủ tư cách tham gia The Hero Club. Chúng ta cần mở rộng vòng tay với những người lãnh đạo mà tài sản của họ không tương đương mức GDP của vài quốc gia gộp lại nhưng nền văn hóa công ty mà họ sở hữu biết coi trọng cả lợi nhuận lẫn con người. Chúng ta cần thế hệ người hùng kế cận, những con người điều hành những doanh nghiệp được gây dựng trên những giá trị vượt lên trên khuôn khổ của những câu khẩu hiệu và quy trình bán hàng tiếp thị và hiếm khi xuất hiện trên các dòng tít. Những con người tìm kiếm đường lối lãnh đạo với mục đích cao cả chứ không phải vì thứ lợi ích tầm thường ở chốn văn phòng. Những con người biết hoàn trả theo phương thức vượt ra ngoài khuôn khổ của việc trích một phần doanh thu làm từ thiện, một công việc tuy ý nghĩa nhưng đầy tính thụ động. Những con người chia sẻ không chỉ tiền bạc mà còn cống hiến cả thời gian lẫn tài năng của bản thân để tạo ra tác động quanh năm suốt tháng.
Nếu bạn thấy điều đó giống với con người bạn, hãy cùng với tôi hướng tới tinh thần lãnh đạo quả cảm. Hãy thoát khỏi những khuôn mẫu của phương thức lãnh đạo cũ kỹ, chính trị đảng phái, những đường hướng vô giá trị và tạo thêm nhiều nhà lãnh đạo quả cảm cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Hãy cùng nhau trở thành người hùng.
NHÂN TỐ QUẢ CẢM CỦA BẠN LÀ GÌ?
Nhân tố quả cảm của bất kỳ tổ chức hay người đứng đầu nào cũng đều được quyết định bởi tổng điểm từ 0 đến 10 của hai thang đánh giá tương đương nhau mà bất cứ người hùng nào cũng phải tự chịu trách nhiệm: Tối ưu hóa hệ thống vận hành và Quyết tâm quả cảm.
Do vậy, phương trình Nhân tố quả cảm có dạng như sau: Tối ưu hóa hệ thống vận hành (0-10) + Quyết tâm quả cảm (0-10) = Nhân tố quả cảm (0-20)
Nếu bạn muốn có được điểm số Tối ưu hóa hệ thống vận hành, Quyết tâm quả cảm và Nhân tố quả cảm của chính mình, hãy thực hiện Bài đánh giá nhân tố quả cảm ở phần cuối cuốn sách này hoặc nhấn vào đường dẫn tới Bài đánh giá mức độ quả cảm trên các trang web dành cho nhân tố quả cảm (https://HeroFactorBook.com), The Hero Club (https://heroceoclub.com/) hoặc The Hayzlett Group (http://hayzlett.com/). Sau đấy, hãy đưa chúng vào thang đánh giá Nhân tố quả cảm (mô tả trong Hình 1.1) để xem bạn thuộc (hay không thuộc) típ anh hùng nào. Bạn muốn làm bài đánh giá này bao nhiêu lần cũng được: Hãy kiểm tra xem bản thân bạn đang đứng ở đâu, sau khi bạn đọc hết phần 1 (phần định nghĩa tất cả ba thành phần của phương trình Nhân tố quả cảm), và sau khi bạn đọc xong cả cuốn sách (nội dung đi sâu vào cả hai thành phần tạo nên Quyết tâm quả cảm và là phần cốt lõi của Nhân tố quả cảm: Các giá trị của bạn và việc bạn coi trọng người khác như thế nào). Hãy thử xem kết quả đánh giá về Nhân tố quả cảm của bạn có thay đổi hay không!
Hình 1.1. Thang điểm Nhân tố quả cảm