Trở lại những năm 1920, để tạo ra một chủng loại chiến binh mới phục vụ chiến tranh, Stalin ra lệnh cho Ivanov, nhà lai giống động vật nổi tiếng nhất ở Nga, tìm cách lai giống tinh tinh và người. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại và Ivanov bị bỏ tù. Vài năm sau, các nhà khoa học của Hitler cũng thử nghiệm nhưng không thành công. Tất cả bắt đầu khi tiến sĩ Henry Kendall, trong lúc đang nghiên cứu về bệnh tự kỷ đã đưa tất cả gien của chính mình vào một cái phôi tinh tinh. Ban đầu, mục đích chính của anh chỉ là để thu hoạch được một bào thai chuyển gien, sau đó mổ ra tìm hiểu và nâng cao kiến thức về khả năng giao tiếp ở dã nhân. Thế nhưng đã xảy ra một số trục trặc ngoài dự định. Bốn năm sau, phòng thí nghiệm gọi anh đến và giới thiệu với anh "con trai" của mình: Dave.
Có thể nói rằng Henry là người đầu tiên làm được cái điều mà cả Stalin và Hitler đều bất khả. Với kích thước cỡ một đứa bé bốn tuổi, Dave có thể nói chuyện được như người, thích nhạc Mozart và khá là dễ bảo. Mặt nó tuy dẹt hơn thường lệ, da thì nhợt nhạt nhưng rõ ràng vẫn là tinh tinh. Chính xác hơn, Dave là "một con Linh trưởng bậc cao đã chuyển gien". Nhưng thay vì vui sướng cùng sự thật đó thì Henry lại hết sức lo lắng và sợ hãi, bởi sự tồn tại của Dave là hoàn toàn trái phép và anh có thể bị tống vào tù bất cứ lúc nào. Vì vậy, anh quyết định đánh cắp Dave, đưa nó về nhà mình ở California để nuôi dưỡng.
Song song với tuyến truyện về Henry và những rắc rối mà Dave đem lại khi hòa nhập cộng đồng là sự xuất hiện của Gerard, một con vẹt lông xám châu Phi biết nói. Khi còn là vẹt non, Genard đã được một nhà nghiên cứu tên là Gial Bond cho tiêm đủ loại gien người, nên có thể nói lưu loát từ tiếng Mỹ lóng cho đến tiếng Pháp, kể cả giọng đàn ông lẫn đàn bà và nhái được đủ thứ âm thanh khác. Để quan sát sự phát triển của Gerard, Gail đưa nó về nhà nuôi trong một thời gian. Cho đến khi tình cờ phát hiện con vẹt giúp con trai mình làm bài tập về nhà, bà mới biết được nó còn có khả năng làm toán siêu việt. Vấn đề là chồng của Gail không ưa gì con vẹt nhiều chuyện nên đã tìm cách tống cổ nó ra khỏi nhà. Sau một thời gian, Gerard lưu lạc đến California và gặp được gia đình Henry trong một tình huống vô cùng nguy kịch mà cũng hết sức hài hước.
Thông qua hai nhân vật không phải người nhưng lại mang những đặc điểm của con người này, Micheal Crichton muốn cảnh báo cho chúng ta về những mối đe dọa cũng như hậu quả mà kỹ thuật di truyền có thể gây ra. Dave chính là một trường hợp tương tự như Tarzan khi trở về với cuộc sống loài người. Nhưng đáng buồn, Dave lại bị bạn bè xa lánh hắt hủi và thậm chí là bị săn đuổi chẳng khác gì một con thú. Còn Gerard, cho dù có thông minh đến mấy và luôn tự nhận mình là người thì cũng chỉ là một con vẹt không hơn không kém. Thế nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Dave và Gerard chỉ là hai trong số rất nhiều nhân vật cùng vô số sự kiện liên tục diễn ra trong Thế giới nghịch – Thế giới gien.
Trong thế giới đó, tất cả các gien trong cơ thể con người đều được cấp bằng sáng chế. Các công ty ra sức cạnh tranh để giữ bản quyền sử dụng gien phục vụ các mục đích thương mại, từ chế tạo thuốc chữa bệnh cho đến sản xuất những sản phẩm hiện đại như tai chuyển gien để thay thế cho công nghệ trợ thính. Thế giới đó không chỉ khiến bạn rùng mình trước những ý tưởng điên rồ như lai người với tinh tinh mà còn phải sợ hãi vì sự lệ thuộc của con người vào gien. Micheal Crichton chẳng hề ngần ngại đưa những tình huống nghiêm trọng có thể xảy ra khi mà công nghệ sinh học chi phối hoàn toàn đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Để chuộc lợi cá nhân, có người sẵn sàng lấy cắp xương và nội tạng của xác chết để bán cho ngân hàng mô. Hay rùng rợn hơn, người ta có thể truy lùng cả con gái và cháu trai bạn chỉ để lấy được gien của bạn. Những vấn đề đạo đức về việc nhân bản vô tính cừu Dolly cũng trở nên hết sức bình thường trong "thế giới nghịch", khi mà con cái sẵn sàng đâm đơn kiện cha mẹ vì đã truyền lại gien khiếm khuyết gây nghiện hay gien nhiễm bệnh cho mình.
Trước khi trở thành tiểu thuyết gia, Micheal Crichton là một bác sĩ y khoa đã có một số nghiên cứu nhất định về y học. Với Thế giới nghịch, ông đã kết hợp tài tình phong cách kể chuyện hài hước đặc trưng cùng với các kết quả nghiên cứu của mình vào một cốt truyện lôi cuốn bởi những tình tiết dồn dập, đầy những cao trào. Cuốn sách vừa cung cấp cho người đọc những kiến thức về sinh học vừa khéo léo đưa ra được những dữ kiện khoa học mà ít ai ngờ tới. Chẳng hạn như người tóc vàng sẽ tuyệt chủng trong vòng 200 năm nữa, hay người Neanderthal chính là những người tóc vàng thủy tổ… Chính điều đó đã tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt cho một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng hồi hộp, gay cấn không thua kém gì phim hành động của Hollywood này.
15 năm sau Công viên kỷ Jura, Micheal Crichton viết nên một cuốn tiểu thuyết mà đến 15 năm nữa hay thậm chí là lâu hơn vẫn còn gây chấn động. Trong phần ghi chú ở cuối sách, ông cũng thẳn thắn trình bày ý kiến của mình về những vấn đề di truyền học. Không gì hơn, Thế giới nghịch là hồi chuông cảnh báo dành cho toàn thể nhân loại. Nếu chỉ quan tâm đến những mưu đồ sinh lợi cá nhân mà không chú trọng đề phòng các hiểm họa, thì chúng ta sẽ không chỉ có một, mà rất có thể sẽ là hàng triệu quái vật như Frankenstein xuất hiện trong tương lai.
Sơn Phước
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn