Thế giới của Sophie (tiếng Na Uy: Sofies verden), với tựa đề Một cuốn tiểu thuyết về lịch sử triết học (en roman om filosofiens historie), là một tiểu thuyết của nhà văn Jostein Gaarder. Nguyên bản tiếng Na Uy được xuất bản lần đầu năm 1991. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng với hơn 30 triệu bản đã được bán và được xếp hạng “sách bán chạy nhất thế giới” (the #1 international bestseller) của năm 1995.
Cuốn sách này giới thiệu về lịch sử văn hóa và lịch sử triết học phương Tây qua câu chuyện của Sophie và Hilde. Phần lớn nội dung bao gồm các đoạn đối thoại giữa nhân vật chính Sophie và một người đàn ông bí ẩn tên là Alberto Knox, đan xen với các tình tiết ngày càng bí hiểm và kỳ bí. Đây vừa là một tiểu thuyết vừa là một hướng dẫn căn bản về triết học phương Tây. Tác phẩm đã được chuyển thể thành một bộ phim truyện nhựa Na Uy, phim truyền hình (đã được phát tại Úc), kịch hát. Ngoài ra, còn có một phần mềm trò chơi trí tuệ dựa theo nội dung của tiểu thuyết này: Sophie’s World – PC CD-Rom. Đây là cuốn sách đặc biệt – một cuốn tiểu thuyết, nhưng là tiểu thuyết về lịch sử triết học. Xét thuần túy về lịch sử triết học thì Thế giới của Sophie là một sự tóm lược cơ bản, ngắn gọn và hết sức sinh động suốt từ thời cổ đại Hy Lạp – La Mã cho tới thời hiện đại, với những gương mặt của các triết gia tiêu biểu nhất bao gồm: Democritus, Socrates, Plato, Aristotle, Descartes, Spinoza, John Locke, David Hume, George Berkeley, Immanuel Kant, Hegel, Kierkegaard, Karl Marx, Charles Darwin, Freud… Tuy nhiên điều lý thú nhất ở cuốn sách là hình thức thể hiện cách xem xét lịch sử tư tưởng nhân loại của tác giả. Ở đây các “bài giảng” về lịch sử triết học được viết dưới dạng thư từ và các cuộc trò chuyện giữa ông giáo môn triết học Alberto – một đầu óc thông thái, uyển chuyển, giàu kiến thức với Sophie – một cô bé 14 tuổi, ngây thơ, hồn nhiên. Không phải ngẫu nhiên Jostein Gaarder lại để cho nhân vật học triết của mình ở tuổi 14 – 15. Ở tuổi này, phần lớn con người khao khát hiểu biết tri thức nhân loại, nhưng lại chưa kịp chất chứa trong mình bất kỳ thành kiến nào. Cả Alberto và Sophie đều là những người có tinh thần rộng mở, không định kiến. Họ không đổ khuôn cho lịch sử trong khi xem xét nó để rồi ném tất cả vào cái khuôn đó, cái gì không vừa khuôn thì sẽ bị loại vì không có giá trị. Cuộc sống bình lặng của cô bé Sophie mười lăm tuổi bất ngờ bị xáo trộn bởi những mẩu tin nhắn nặc danh trong thùng thư với những câu hỏi như “Bạn là ai?” “Thế giới từ đâu đến?”…, và những tấm bưu ảnh bí hiểm gửi từ Lebanon đề địa chỉ người nhận “Hilde Møller Knag, gửi qua Sophie Amundsen”. Nhiều câu hỏi và những điều bí hiểm khác tiếp tục nảy sinh trong thế giới của Sophie, mà để giải đáp những điều bí hiểm đó, ta cần một hiểu biết về triết học phương Tây. Hilde Møller Knag là ai? Tại sao Sophie liên tục nhặt được những đồ vật của Hilde? Tại sao cô nhận được thư gửi cho Hilde? Câu chuyện kết thúc trong khu vườn nhà Hilde tại thành phố nhỏ Lillesand trên bờ biển phía nam Na Uy. Nhưng có khi đó là nơi nó bắt đầu. Alberto Knox, nhà triết học bí ẩn, đưa Sophie đến với tư tưởng của các triết gia lớn của châu Âu. Nhờ đó, dần dần Sophie đã trang bị được kiến thức cần thiết để giải đáp được những bí ẩn xung quanh cô. Với cách tư duy trong sáng và hồn nhiên, những tư tưởng triết học tinh túy, lấp lánh của nhân loại, từ những triết gia cổ xưa như Socrates, Plato, Democrites… đến Hegel, Marx, đến những đại diện của triết học hiện sinh, triết học sinh thái v.v…, đã được tái hiện cô đọng và trung thực. Ngoài các triết gia, những nhà khoa học và những phát minh có ảnh hưởng to lớn tới việc giải quyết các vấn đề cơ bản của triết học và có tính cách mạng trong nhận thức của nhân loại của họ cũng được đưa vào như Sigmund Freud, Charles Darwin… Cuốn sách khép lại bằng những trang viết về nhận thức của nhân loại về vũ trụ qua thành tựu của thiên văn học và vật lý học hiện đại, khiến chúng ta thấy được sức mạnh lớn lao của nhận thức, cũng như giới hạn của nó nơi con người, nhưng lại đầy kích thích đối với bản chất tò mò của những đầu óc không bao giờ thỏa mãn bởi những gì đã biết. Đối với người đọc Việt Nam, có thể Jostein Gaarder có cách tư duy và một cách nhìn rất khác, rất mới. Tác giả đã cố gắng nhìn nhận tư tưởng của các triết gia như nó vốn có, tái hiện nó và không dùng nhãn quan của mình để đánh giá. Sự phân tích các học thuyết triết học được thể hiện khéo léo bằng cách để cho người thầy giáo trả lời các câu hỏi của học sinh mình. Điều kỳ diệu của Thế giới của Sophie chính là ở chỗ triết học dưới ngòi bút của tác giả khiến cho người đọc thấy thật gần gũi với cuộc sống, với tất cả mọi người. Với sự tài tình của Jostein Gaarder, chúng tôi tin rằng bất kỳ ai sau khi đọc cuốn sách cũng sẽ đem lòng yêu mến triết học – một bộ môn hay dễ bị định kiến là khô khan, khó hiểu Thế giới của Sophie đã được xuất bản tại Việt Nam lần đầu tiên năm 1998, do Huỳnh Phan Anh dịch từ bản tiếng Pháp. Tuy nhiên, bản dịch này thiếu một số đoạn so với nguyên bản và có nhiều lỗi cũng như một số thuật ngữ triết học chưa chính xác. Hơn nữa, bản dịch này xuất bản trước khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bản quyền nên việc xuất bản khi đó chưa được sự đồng ý của tác giả.
Mời bạn đón đọc.