Thầy Lang:
Tadeusz Dolega Mostowicz (1898 – 1939) là nhà văn tài hoa của nền văn học cận đại Ba Lan. Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Đường công danh của Nikôđem Đyzma, Giáo sư Vintrurơ, Thầy Lang…
Thầy Lang là tiểu thuyết tâm lý xã hội được sáng tác theo khuynh hướng của chủ nghĩa tình cảm. Nhân vật chính của tác phẩm là giáo sư tiến sĩ y khoa Vintrurơ, một nhà khoa học lớn, một nhà phẫu thuật tài năng của Ba Lan thời bấy giờ. Đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lợi thì một tai họa đột ngột xảy đến: vợ ông đã bỏ nhà ra đi với người yêu sau tám năm chung sống cùng ông, mang theo đứa con gái nhỏ duy nhất mà ông vô cùng yêu thương, để lại một bức thư vĩnh biệt, trong đó nàng thú thật rằng chưa bao giờ yêu ông.
Quá đau khổ, giáo sư Vintrurơ đi lang thang, ông bị bọn vô lại cho uống rượu say, cướp sạch quần áo, tiền bạc, đánh vào đầu khiến ông bị mất trí nhớ, không còn biết mình là ai. Từ đó bắt đầu cuộc đời lang thang, phiêu bạt, chìm nổi của một con người bần cùng, vô gia cư, không chốn dung thân, không người thân thuộc, thậm chí không biết mình là ai, tên là gì, không biết mình sống để làm gì, sống cho ai.
Nhưng kỹ năng nghề nghiệp vẫn tồn tại trong con người mất trí nhớ của ông, nhất là khi cần cứu chữa cho người bệnh. Được nhận vào làm công cho người chủ cối xay bột Prôcốp, giáo sư Vintrurơ (dưới cái tên Antôni Kôsiba) đã chữa cho con ông chủ khỏi tật, rồi ông chữa cho nhiều người khác, dần dần nổi tiếng là một thầy lang giỏi ở một vùng nông thôn.
Và cuộc đời ông có lẽ sẽ trôi qua như thế nếu ông không gặp cô gái Marưsia đáng thương mồ côi cha lẫn mẹ. Tình thương yêu giữa hai tâm hồn cô đơn ấy đã rọi một ánh sáng mới vào cuộc đời ông, khiến ông lại biết mình sống vì ai, vì cái gì. Nhưng rồi Marưsia và người yêu cô là chàng trai Lasếch bị tai nạn. Để cứu sống cô gái, ông đã phải đánh cắp vali đựng dụng cụ mổ của bác sĩ Pavơlixki, kẻ vốn sẵn hiềm khích với ông. Ra toà, ông bị kết án ba năm tù….
Cốt truyện cảm động ấy đã được ngòi bút tài hoa của Mostowicz xây dựng thành một tác phẩm giàu tính nhân đạo và trữ tình. Tác phẩm góp một tiếng nói nghệ thuật, nêu cao những chân lý nhân văn, khẳng định địa vị thiêng của tình yêu thương giữa người với người. Tình yêu ấy, quý giá hơn tất cả, nhưng nó không bao giờ đến từ một phía, nó không thể được xây dựng nên bởi tiền tài hay địa vị. Hạnh phúc chỉ có thể có được khi con người đã phải trả giá bằng những đau khổ và đấu tranh, bằng những dằn vặt, những vật lộn với cuộc đời và chính bản thân mình.
Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm đã được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đưa lên màn ảnh, đã chinh phục khán giả thế giới và khán giả Việt Nam.
Mời bạn đón đọc.