Môi trường nước như thế nào thì cá sẽ lớn lên như vậy. Những đứa trẻ muốn phát triển tốt cần có môi trường tốt, người mẹ tốt cùng với tâm thái tốt và phương pháp tâm lí học tốt.
Người mẹ tốt là người thầy tốt nhất, là bác sĩ tâm lí tốt nhất của con. Đừng nghĩ rằng tâm lí trẻ con đơn giản. Cha mẹ cần đi vào thế giới nội tâm của con, phải hiểu con trước khi yêu con, phải biết cách loại bỏ trở ngại tâm lí trong quá trình trưởng thành của con, gieo hạt giống thành công trong con.
Cuốn sách này giới thiệu một số kiến thức tâm lí mà những người làm cha mẹ cần biết, giới thiệu nguyên tắc và phương pháp tâm lí khi dạy con, đồng thời đưa ra rất nhiều phương án ứng phó tâm lí, dùng “làn nước” dịu dàng nuôi dưỡng những chú “cá” vui vẻ.
Từ khi đứa con bé bỏng chào đời, là mẹ, bạn vui vẻ và hạnh phúc theo sát từng bước con trưởng thành. Nhưng rồi một ngày bạn kinh ngạc phát hiện ra đứa con bé bỏng ngày nào đang dần xa cách mình hơn.
Dường như bạn không thể lại gần, không thể hiểu nổi con nữa.
Từ khi nào mà con bạn từ trường học về nhà là trốn trong phòng một mình chơi xếp hình, xem phim hoạt hình… Đứa con ngày nào cứ thấy bạn là líu la líu lo đâu mất rồi? Bạn nghĩ rằng, lớn lên con sẽ khác thôi, nhưng rồi đến lúc con đã mười mấy tuổi, bạn lại càng thấy con trầm lặng hơn.
Từ khi nào thiên thần bé nhỏ của bạn lại trở nên khó hiểu đến vậy? Con bắt đầu chỉ huy mọi người, thậm chí còn bắt ông nội già cả như vậy làm ngựa cho con cưỡi. Khi ông mệt, mồ hôi đầm đìa, con còn càu nhàu “Sao mà ông chậm thế! Chán quá đi à!”. Đó có phải là đứa con bé bỏng ngây thơ trong sáng trước kia của bạn không?
Từ bao giờ mà con bạn trở nên khó đối phó đến vậy? Bên cạnh có đầy đồ chơi và đồ ăn mà con vẫn cứ kêu chán, rằng không có gì chơi, rằng đồ ăn không ngon, cứ đòi bố mẹ đưa đi mua. Chỉ cần thấy thứ mình thích là đòi bằng được, khi chưa đạt được mục đích thì không chịu thôi. Mặc dù những thứ đó mua về chỉ một, hai ngày là con lại chán và ném vào một góc.
Từ khi nào mà đứa trẻ thông minh chăm học lại bắt đầu trốn học? Nếu không phải cô giáo tìm đến nhà thì chắc hai, ba tháng sau bạn cũng không biết! Tại sao con không chịu hiểu rằng để tìm được một gia sư tốt, cha mẹ đã phải mất bao nhiêu công sức, tiền bạc? Hàng ngày, cha mẹ phải tất bật làm thêm là vì ai?
Đừng để khi tâm hồn con bạn xuất hiện vết sẹo rồi thì mới nghĩ cách sửa chữa, sẽ không có cách nào khiến tâm hồn chúng trở lại như xưa được nữa đâu! Tại sao không dạy dỗ, chỉ dẫn trẻ khi tâm hồn chúng còn hoàn hảo không tì vết?
Với những trẻ tuổi mẫu giáo, mỗi ngày qua đi trẻ đều có sự thay đổi rất lớn. Sự phát triển tâm trí của trẻ vượt xa sự tưởng tượng của cha mẹ, hơn nữa ở những giai đoạn khác nhau, tâm lí thay đổi cũng rất khác nhau.
Bạn có biết thời kì trẻ tin và không tin người khác là độ tuổi nào không?
Bạn có biết khi định hình tâm trí trẻ cần phải chú ý tới những điều gì không?
Bạn có biết tại sao vào một giai đoạn nào đó trẻ luôn phản kháng lại bạn không?
Trên đây là một phần những điều mà mọi bà mẹ đều cần phải hiểu về con. Đương nhiên, muốn hiểu nhiều hơn, hãy lật giở những trang tiếp theo!
Chỉ khi hiểu được tâm lí trẻ thì mới dạy dỗ chúng theo đúng phương pháp thích hợp. Hơn nữa chỉ khi không ngừng học tập rèn luyện bản thân thì mới mài giũa ra được những “viên đá quý của tâm hồn”!
Mời bạn đón đọc.