Bửu Lân "bị" lên ngôi lúc mới 10 tuổi, niên hiệu là Thành Thái. Thân sinh là phế đế Dục Đức bị truất ngôi, giam ở khám Tây Lộc (nội thành). Bửu Lân sống với mẹ cũng bị quản thúc ở đó suốt thời gian "Tú nguyệt tam vương" – Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc.
Ông sống gần với bọn trẻ thường dân nghèo khổ trong thời Đồng Khánh, nên dù tuổi còn niên thiếu đã sớm ý thức về vận nước dân sinh, tự cường dân tộc, chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, tìm đường cứu nước của các nho sĩ khoa bảng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Vì vậy, khi lên ngôi vua, ông luôn vi hành tìm hiểu tình cảnh đất nước trong những năm bị thực dân Pháp đô hộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và luôn đòi hỏi chính quền thực dân bảo hộ thực hiện các điều đã ký kết trong các hiệp ước trước đây.
Do đó, ông là "cái gai" khó chịu đối với bọn thống trị, nên chúng đã gán cho ông bị bệnh tâm thần – là điên – với nhiều chuyện khó tin mà sau này trở thành "giai thoại" như các chuyện đối với cung nữ, phi tần…
"Điên" mà sao Thành Thái lại xoá cái án "hoài hiệp văn tự, nhập trường, chung thân bất đắc ứng thí" của Phan Bội Châu? "Điên" mà luôn đòi duy tân đất nước, hưởng ứng phong trào "cắt búi tó" của các sĩ phu bị bọn đô hộ quy là "giặc cúp tóc"? "Điên" mà ngang nhiên tuyên dương, ban sắc cho cô Tư Hồng, một gái đĩ "thập thành" đất Bắc, khi cô me Tây này chuyển gạo đầu cơ thành gạo phát chẩn cứu đói cho mấy tỉnh Trung Bộ sau cơn bão năm Thìn (1904)? "Điên" mà đã tìm cách quan hệ với Nhật Hoàng, sau khi Nhật thắng Nga năm 1905, dự đinh theo gót Phan Bội Châu Đông du để đưa thanh niên đất nước ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật hiện đại, đọc tân thư?
Thành Thái, một con người như thế của đầu hế kỷ XX, khi đất nước Việt Nam đang bị đô hộ, cả dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh "đêm trường nô lệ", ý thức cứu nước đơn độc của Thành Thái luôn bị ám ảnh bởi hai chữ "duy tân", cả cho đến khi bị truất, nên đã đặt niên hiệu cho con mình – Vĩnh San – là Duy Tân.
Cuốn sách thuộc bộ sách về xứ Huế trong tấn bi kịch nội triều dẫn đến mất nước của triều Nguyễn, phản ánh thực trạng một thời của xã hội Việt Nam đang bị đô hộ, chẳng những về đời thường trong sinh hoạt hàng ngày mà cả trong nội bộ "thâm cung bí sử".