Xem sách hay

Tháng Ngày Theo Chân Mẹ

Mua ở đâu?
Hồng Trà

Xin hãy chú ý, vị tác giả này vô cùng ranh mãnh. Tất cả những sai lầm mà văn nghệ sĩ viết cho trẻ em thường mắc phải, cô ấy đều tránh được. Cô ấy không viết theo phong cách trữ tình, ví dụ như nửa đêm ngắm nhìn khuôn mặt của con gái bé bỏng, trong lòng trào dâng tình yêu thương của người mẹ, sẵn sàng hi sinh vì con. Cô ấy cũng không kể khổ, tỉ như mất dáng sau khi mang thai và sinh nở, vòng ngực vì cho con bú mà không còn hấp dẫn, rồi mất cả sự nghiệp của bản thân. Cô ấy không nói rằng mình đã yêu chồng biết bao nhiêu. Cô ấy không có những lý luận cao siêu về cách dạy con và lối sống hiện đại. Con gái cô ấy cũng không phải là đứa trẻ thông minh hoặc tài giỏi nổi bật. 

Đọc xong một nửa cuốn sách, tôi mới biết, con của cô ấy là con gái. Tóm lại, cô ấy không hề áp đặt cho tất cả những điều đó bất cứ ý nghĩa tuyệt vời nào, và dường như cũng không đưa ra bất cứ tư tưởng nào.

Vậy, những bức tranh mà cô ấy vẽ là gì?

Có lẽ, đây chỉ là một bà mẹ bình thường, nuôi dạy một cô con gái bình thường, ở một thành phố bình thường, với một điều kiện bình thường. Dường như, những bức tranh ấy không chỉ là lúc đó, mà là thời thơ ấu của chúng tôi, thời chỉ có ruộng đồng, ca dao, hoa và cỏ dại. Trong một thành phố bê tông cốt thép của các tòa nhà cao chọc trời bao bọc kín mít như thế này, ruộng vườn, đồi núi thiên nhiên làm sao mà tồn tại được nữa. Nhưng, nếu không trở về với ruộng đồng thì làm sao một đứa bé có thể hồn nhiên, ngây thơ mà lớn lên được?! Ấy vậy mà hình như cuốn sách này đang nói: Được chứ!

 Đó chính là trong con ngõ nhỏ, khu vườn nhỏ, cạnh sân vận động, dưới gốc cây, đó chính là nhà bà ngoại, là ngôi nhà của chính mình, thì ra, có rất nhiều hoa dại, cỏ dại, cây hoang và gai góc với rất nhiều hình dạng mơ hồ không tên. Mỗi khi nhìn thấy, bạn sẽ cảm thấy chúng rất quen thuộc, nhưng lại chẳng thể nhận ra. 

Còn người mẹ này, cô ấy sẽ chỉ ra tên của chúng: Đó là cây thảo nhi, cây rau đắng, cây ngải cứu, bạc hà, hoa tử kinh, hoa hải đường… Cô ấy nhận biết được và còn vẽ ra chúng. Thiên nhiên, hoàn toàn không phải là không tồn tại. Giống như hàng cây bên đường, rễ của chúng không sâu, tán cây không rộng, nhưng chúng không phải là đèn đường, chúng là cây, là sự sống. Chúng cũng sẽ rụng lá, cũng sẽ yên lặng, sẽ rung rinh trong mưa gió. Khi mùa xuân tới, chúng sẽ trổ mầm nở hoa.

Chúng ta phải cùng lớn lên bên con trẻ, để nhận ra một thời đã qua, để ghi nhớ hàng vạn sinh linh trong cuộc đời.

Đúng thế, cho dù là thời đại nào, ở nơi đâu, cây cối đều sẽ lớn, hoa đều sẽ nở, trẻ sẽ biết đi, biết chạy. Sẽ có một ngày, con sẽ biết che chở bảo vệ cho mẹ, sẽ ra dáng người lớn, sẽ thương yêu cha. Có phải chúng ta đã quá nghiêm trọng hóa vấn đề nuôi dạy con hay không?! Đã hình dung thế giới này quá hiểm ác?! 

Nhưng cuối cùng, trong cái góc bình thường ấy, có một đứa bé tên là Gia Gia đang lặng lẽ lớn lên khỏe mạnh.

Trên đời này, nhất định sẽ có một thứ gọi là chân lý đang tồn tại. Nó tựa như thời gian, tựa như quy luật, tựa như chính sự sống. Chẳng cần phải tỏ ra quá ngạc nhiên, cũng chẳng cần phải quá hồ hởi, khen ngợi. Sự sống là điều bình thường nhất, chỉ cần đối xử với nó một cách bình thường là được. Bình thường, nhưng rất đẹp!

Cho tới bây giờ, tôi cũng vẫn chưa biết, liệu tôi có trở thành một người mẹ hay không. Có điều, càng ngày tôi càng cảm thấy, có một ngày, tôi sẽ thực sự trở thành một người mẹ. Tôi không có cái gì gọi là hiểu biết sâu xa để nói với con mình. Có lẽ tôi sẽ ngồi xổm trên nền đất, hay trong đám cỏ, để nhận biết một bông hoa dại, rồi nói cho con biết, tên loài hoa ấy là gì.

Bé yêu, sẽ giống như bông hoa dại ấy, lớn lên cùng với gió.

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?