Được khởi thảo và hoàn thành trong vòng hai năm (1866-1868) trong thời kỳ Victor Hugo bị lưu đày từ Bruxelles tới đảo Guernesey rồi lại trở lại Bruxelles, Thằng Cười đã vượt qua dự định ban đầu của người viết: cuốn sách không chỉ dừng lại ở một tác phẩm chính trị mà còn là một tác phẩm triết học, lịch sử và thi ca. “Nếu hỏi tác giả vì sao ông viết Thằng Cười, ông sẽ trả lời, là triết gia, ông muốn khẳng định tâm hồn và ý thức, là sử gia, ông muốn vạch rõ những thực tế ít được biết đến của nền quân chủ và giảng giải về dân chủ, và là thi gia, ông muốn tạo nên một bi kịch […] Bi Kịch của Tâm Hồn.” (Phác thảo lời tựa)
Émile Zola từng ngợi ca: “Thằng Cười vượt lên trên tất cả những gì Victor Hugo đã viết từ mười năm qua (từ 1859). Ở đó ngự trị một khí thế siêu phàm”, “một tác phẩm thấm thía và kì vĩ […] Độc giả của tôi hiểu tác phẩm ấy trong từng chi tiết nhỏ nhất. Cũng như tôi, họ yêu cuốn sách này. Cũng như tôi, họ đánh giá đây là một tác phẩm hay và vĩ đại.”
Tuy nhiên, sự thật là, khi ra đời, Thằng Cười đã không được độc giả hào hứng đón nhận. Bản thân Victor Hugo cũng thừa nhận thất bại này, mà một phần nguyên nhân được ông quy cho tham vọng quá lớn của mình: “Tôi đã muốn đưa tác phẩm của mình trở thành một thiên sử thi. Tôi đã muốn buộc độc giả phải suy nghĩ về từng câu từng dòng tôi viết ra. Vì thế mà họ nổi giận với tôi.” Và phải chờ đến thế kỷ 20, giá trị tác phẩm của đại thi hào mới được nhìn nhận lại, Thằng Cười khi ấy mới trở về đúng ngôi vị đáng kính của mình.
Mời bạn đón đọc.