Tham Thiền Tự Cảnh Sách Văn:
Quyển “Tham Thiền Tự Cảnh Sách Văn” này ban đầu vốn không phải được viết với ý định hình thành một quyển sách. Nó chỉ là những bài viết ngắn của hành giả trên bước đường luân lưu tu học để tự cảnh sách mình, để định hướng tham thiền, để lập chí trường cửu, để chân tham thực học, để ghi lại hành tích tâm linh và cảm nghiệm trong tham thiền… lâu dần được kết lại thành tập. Đi đâu hành giả cũng đem theo, đọc nó lấy làm phấn khích mãnh liệt trên bước đường tìm cầu giải thoát.
Những bài viết được bắt đầu vào khoảng năm Bính Thìn (1976) cho đến nay. Suốt khoảng gần hai mươi năm, dù ở trong tình huống nào hành giả cũng chưa hề tạm quên mục tiêu giải thoát. Trên đường hành đạo, thăng trầm vinh nhục cũng lắm, nhưng trải qua rồi, xét lại thì mọi cơ duyên dù thuận dù nghịch đều là chất liệu cho sự tăng trưởng đạo tâm, miễn là cho đến giây phút này, tuổi đời càng cao, chí hướng giải thoát vẫn không hề giảm sút mà còn mạnh mẽ hơn thêm, lòng thành hiến thân cho đạo cả vẫn cuồn cuộn tràn dâng như thuở còn niên thiếu. Đường hành trình về quê hương Chơn tánh còn xa diệu vợi biết đâu là đích đến, hành giả đành phải tập chí tu hành không chung cuộc, phiền não vô biên thì bát nhã cũng vô biên vậy.
Rải rác đây đó trong các bài văn và trong phần phụ lục có những bài thơ với cùng mục đích như bài văn Cảnh sách, phần lớn là thơ Đường luật. Tuy nhiên, dù gọi là văn nhưng không phải là văn chương mà chỉ là tản văn, dù gọi là thơ nhưng không phải phi phú mà chỉ là những bài viết có vần và điệu để diễn đạt trạng thái tâm thức của hành giả lúc tham thiền và cũng để ngâm nga một mình với mục đích làm duyên tăng thượng mà thôi. Vì thế, văn thơ ở đây không nên được xem và thẩm định dưới cặp mắt của một nghệ sĩ, vì nó không đáng được như thế. Nó chỉ nên là một phương tiện giúp hành giả và những bạn tham thiền nuôi dưỡng và khích tấn chí hướng chân tu thật học để tự giải thoát cho mình và đem lợi ích chongười, thế là đủ.
Tóm lại, mục đích của quyển sách nhỏ này khá khiêm tốn: làm kcíh chất cho những ai chân thật tham thiền, quyết cống hiến đời mình vì sự giác ngộ giải thoát cho chính mình và vạn loại. Còn đối với những bậc siêu tông vượt cách thì hành giả xin chắp tay tham học và hổ thẹn đã phô bày lời lẽ quê hèn của mình trước núi Thái Sơn, trước mặt trời rực rỡ vậy. Tuy nhiên, nếu mỗi người tự phản quán sâu xa mới thấy rằng trọn một đời tu trì miên mật e còn chưa thấm vào đâu so với trí tuệ và công hạnh của bậc tiền nhân cổ đức, sao dám lấy làm tự mãn được!
Mời bạn đón đọc.