Từ Watanabe của Rừng Na Uy đi tìm động lực sống và ý nghĩa đằng sau những cuộc tự vẫn, Watashi của Cuộc săn cừu hoang đi tìm con cừu biểu tượng cho sự đen tối và dục vọng con người, đến Hajime đi tìm người bạn gái thời thơ ấu là Shimamoto-san trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời, hay Tengo và Aomame trong 1q84 tìm lại nhau sau 20 năm xa cách.
Những cuộc tìm kiếm của Murakami có thể nhằm vào một đối tượng cụ thể (tìm một người bạn, người mẹ, người vợ) để hướng tới một ý nghĩa không thể định hình, như đi tìm bản ngã con người, sự cân bằng, sự sẻ chia, hay đơn giản là đi tìm lối thoát khỏi những nơi chốn mà người ta mắc kẹt.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm mới nhất của Murakami Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương cũng kể về một cuộc tìm kiếm.
Ở đây, nhân vật chính là Tazaki Tsukuru, chàng trai 36 tuổi với “cái tên không có màu”. Ở độ tuổi thiếu niên, Tsukuru là thành viên của một nhóm bạn năm người, thân thiết và hòa hợp. Họ vô cùng gắn bó, tưởng như không thể tách rời, nhưng điều này đã thay đổi sau năm thứ hai đại học.
Tsukuru bỗng nhiên bị những người bạn tri kỷ đoạn tuyệt một cách bất ngờ, không lời lý giải. Sự đoạn tuyệt này đã đẩy anh xuống vực sâu, khiến anh trải qua thời niên thiếu với nỗi ám ảnh dai dẳng về cái chết, sự cô độc, nỗi hoang mang về bản thân và nỗi sợ hãi sẽ bị bỏ rơi lần nữa.
Sau 16 năm ròng không nhìn về quá khứ và sống một cuộc đời yên lặng, Tsukuru đã gặp Sara, người giúp anh nhìn thấy những khoảng trống trong lòng mình và cho anh dũng khí để tìm về những người bạn năm xưa, tháo gỡ những bí ẩn mà trước đây anh không dám đối diện.
Những bí mật được vẹn mở sau cùng đã giúp Tsukuru tìm được sự thứ tha cho những bất trắc từng giày vò anh suốt một thời tuổi trẻ, giúp anh tìm thấy bản ngã và sức mạnh tiềm ẩn trong con người mình.
Nếu những tác phẩm trước của Murakami thường có màu sắc kỳ ảo và ý niệm về những thế giới song song, hoặc sử dụng rất nhiều phép ẩn dụ hình tượng thì Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là một tác phẩm khá nhẹ nhõm về mặt bút pháp.
Đó là một cuộc hành trình đi vào nội tâm, cho người đọc cảm giác gần gũi, dễ tiếp nhận, như một nỗi buồn sâu sắc và riêng tư. Vì tác phẩm này không đặt nặng yếu tố hoàn cảnh hay thời đại, người đọc có thể dễ dàng chia sẻ với những cảm xúc và suy tưởng của nhân vật Tazaki Tsukuru.
Anh đã đi qua một tuổi trẻ đầy hoài nghi về giá trị, về chân mỹ của mình và mang trong mình phức cảm tự ti về một bản ngã mà anh cho là “trống rỗng”, thiếu màu sắc. Anh đã trải qua một cái chết tinh thần khi bị ruồng bỏ, đẩy anh vào một nơi chốn cô lập về mặt cảm xúc.
Chỉ đến khi Tsukuru lấy dũng khí tìm về nguồn gốc của nỗi đau, anh mới chạm vào sự giải thoát khỏi nỗi cô độc và những tổn thương sâu sắc trong lòng mình:
“Vào lúc đó, gã bỗng chấp nhận tất cả. Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
(trang 298, 299)
Ở đây, qua phép ẩn dụ về cái chết tinh thần của Tsukuru và cái chết đoạn tuyệt của tình bạn, Murakami nói về sự trưởng thành và hồi sinh trong tâm hồn con người.
Phải trải qua những cơn đau tột đỉnh, phải có dũng khí để thấu hiểu, chấp nhận và tha thứ cho những giày vò của quá khứ, con người mới tìm được “sự hài hòa đích thực”, mới nhìn thấy được những điểm mù trong tâm hồn mình và có thể trở nên nguyên vẹn.
Trước quyển sách này, Haruki Murakami có bộ ba quyển 1q84 với gần 1.500 trang sách đặc dày tình tiết kỳ bí và một hệ thống nhân vật đồ sộ.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương có sự khác biệt rất lớn về quy mô so với1q84, mà theo cây bút Toby Lichtig trên tờ Wall Street Journal thì “mặc dù tựa đề hơi luộm thuộm, nhưng phần lớn đây là một câu chuyện gọn gàng, duyên dáng và khéo léo”.
Tựa đề của quyển sách, với từ “hành hương”, gợi khá nhiều tầng nghĩa. “Hương” ở đây có thể hiểu là quê hương, vùng đất tổ, cũng có thể hiểu là một nơi chốn thiêng liêng và riêng tư.
Có thể nói “những năm tháng hành hương” của Tazaki Tsukuru chính là đi tìm về một chốn thiêng, một nơi mình thuộc về, là tìm về cõi lòng, bản ngã và chiều sâu nội tâm. Vì vậy, cả câu chuyện là những dòng suy nghĩ tự sự của Tsukuru cùng khao khát sâu sắc của anh về một nơi chốn để hướng tới và để trở về.
Linh An
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn