(Thứ Ba, 07/11/2006)Tâm lý học đám đông: quan trọng và độc đáo (*)
TT – Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon được viết năm 1895 và ở phương Tây từ lâu đã được coi là tác phẩm kinh điển, không chỉ trong lĩnh vực tâm lý học mà cả trong xã hội học nói chung. Ở ta đến bây giờ nó mới xuất hiện, đúng là quá muộn, nhưng dẫu sao cũng là dấu hiệu đáng mừng.
Gustave Le Bon sinh năm 1841, mất năm 1931. Năm 1871, khi diễn ra Công xã Paris, ông vừa tròn 30 tuổi, ông đã sống trọn sự kiện to lớn đánh dấu thời kỳ hiện đại đó, chịu chấn động dữ dội và sâu sắc của nó, càng đặc biệt đối với một con người đã quyết định đi theo con đường trở thành nhà tâm lý học.
Trong một tác phẩm viết trước đó, cuốn Qui luật tâm lý về sự phát triển của các dân tộc, ông từng cho rằng mỗi dân tộc “đều có một cấu tạo tinh thần cố định như tính chất giải phẫu học của nó”, là một thứ bản chất di truyền của nó. Cấu tạo đó núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành dân tộc, chi phối mọi hành động, ham muốn, xung năng của anh ta, tạo nên vô thức tập thể của anh ta…
Với Công xã Paris mà ông trực tiếp nếm trải và Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848 mà ông hết sức chăm chú nghiên cứu, nhận thức trên đây của ông có sự chuyển động lớn: trong thời hiện đại xuất hiện một yếu tố còn quan trọng hơn cả bản chất di truyền vừa nói, đó là đám đông, sức mạnh của đám đông, nó làm lung lay cả bản chất di truyền nọ, chồng lên đó và đôi khi khác biệt sâu sắc với bản chất ấy, chi phối cả những chuyển động lịch sử lớn lẫn hành vi của từng cá nhân.
“Thời đại mà chúng ta đang bước vào sẽ thật sự là thời đại của những đám đông”. Đứng trước hiện tượng vô cùng quan trọng đó của thời đại, Gustave Le Bon chủ trương một thái độ nghiên cứu có tính khách quan khoa học tối đa. Một mặt ông khẳng định “nhà bác học tìm cách nhận biết một hiện tượng không cần bận tâm tới các lợi ích mà những ghi nhận của mình có thể động chạm”; mặt khác ông cho rằng “nhà bác học nghiên cứu những hiện tượng xã hội phải luôn nhớ rằng bên cạnh giá trị lý thuyết, những hiện tượng này còn có giá trị thực tiễn, và đứng về phương diện tiến hóa của các nền văn minh thì chỉ riêng giá trị thực tiễn là có tầm quan trọng nào đó…”.
Với một thái độ như vậy, ông chỉ ra rằng đám đông bao giờ cũng vô thức, dù là bất cứ đám đông nào, dù đó là đám đông cao sang và bác học nhất, như đám đông nghị viện chẳng hạn; dù những cá nhân hợp thành nó là như thế nào, là nông dân, người bình thường, người vô học, hay là nhà trí thức, nhà khoa học, nhà chính trị tinh tường…, khi đã tham gia đám đông, chuyển thành đám đông, lập tức tính cách hay trí tuệ của từng cá nhân trong đó hoàn toàn biến đổi, họ hành động hoàn toàn theo những qui luật khác.
Và Gustave Le Bon không ngần ngại chỉ ra rằng “họ xử sự như người nguyên thủy, không còn khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng liên kết các ý tưởng; họ rất thất thường, có thể đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn đến ngây dại ngớ ngẩn nhất; họ cần một người thủ lĩnh, người cầm đầu, kẻ có thể dắt dẫn họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa…”. Tức nói cách khác, trong thời hiện đại, với đám đông như là nhân tố chi phối chủ yếu, những bản năng nguyên thủy đang bừng thức dậy, và hãy coi chừng, chính nó đang dắt dẫn lịch sử!
Một lý thuyết như vậy đương nhiên không thể tránh khỏi những chỉ trích từ nhiều phía, của nhiều người và nhiều thế lực. Cũng có thể có chỗ tác giả đã có phần cực đoan trong phân tích của mình. Tuy nhiên, không dễ bác bỏ những luận cứ và những bằng chứng đầy tính khách quan khoa học, vô tư và giàu ý nghĩa thực tiễn của chúng. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nó cho thấy thế nào là một nghiên cứu khoa học thật sự.
Còn đối với chúng ta, những người đọc bình thường, thật có ích khi làm quen dần với những cuốn sách có tiếng nói hơi khác lạ như thế này, để trong việc nhỏ việc lớn đời sống xã hội có cách nhìn nhiều chiều hơn, đa dạng hơn, và do đó tỉnh táo hơn, một sự tỉnh táo càng cần thiết trong thời đại đầy biến động, giàu triển vọng mà cũng lắm hiểm nguy này.
NGUYÊN NGỌC.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn