Nội dung chính mà cuốn sách đề cập là cách tư duy và cách giáo dục con cái của các bậc cha mẹ, nên tôi nghĩ nó gần gũi và hữu ích cho các bậc phụ huynh đang phải nuôi dạy con cái của mình với những câu chuyện mà các bậc cha mẹ thường gặp hằng ngày chẳng hạn: vấn đề máy tính, điện thoại di động, game và internet trong việc giáo dục con cái; dạy con tự chủ; các hình thức thưởng phạt con cái ; vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc nhà, làm việc bên ngòai ; sự phối hợp giữa người lớn với nhau (vợ – chồng, ông bà – cha mẹ) trong việc giáo dục con cái, vv.
Cuốn sách được chia làm 5 chương : trong Chương 1, chúng tôi tổng quan các tài liệu, lý thuyết liên quan đến đề tài, cũng như trình bày cách đặt vấn đề, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu của đề tài ; từ Chương 2 đến Chương 4 là phần trình bày các kết quả nghiên cứu. Một cách cụ thể, Chương 2 trình bày nhận thức của các phụ huynh Việt và Pháp về con trẻ và về cách thức giáo dục con cái họ. Chương 3 trình bày về những chờ đợi của các phụ huynh về con cái họ ngay hiện tại và trong tương lai, nghĩa là trình bày nhận thức, quan niệm của họ về mục tiêu mà họ đặt ra trong giáo dục gia đình. Chương 4 mô tả so sánh về cách thức thực hành giáo dục hằng ngày của các phụ huynh. Và cuối cùng trong Chương kết luận, chúng tôi tổng kết lại tất cả những gì đã trình bày, từ đó đề cập đến khuynh hướng biến chuyển trong nhận thức vá cách thức thực hành giáo dục con trẻ trong gia đình tại hai nước, bàn luận làm rõ lý thuyết chúng tôi rút ra từ đề tài, cũng như trình bày những suy nghĩ của mình về hiện trạng giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay và từ đó nói đến một phương thức giáo dục khả dĩ như là một khuyến nghị.
Như trong Lời cám ơn đã trình bày, cuốn sách này là thành quả từ công sức của nhiều người, nên tôi xin ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo và các đồng nghiệp trong và ngoài Viện IRED, các thành viên trong hội đồng phản biện và Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội đã rất nhiệt tình tạo điều kiện cho cuốn sách được đến với bạn đọc một cách sớm nhất.
Mời bạn đón đọc!