Sống ở bất cứ vùng đất nào, những người dân sở tại đều luôn có nhu cầu muốn tìm hiểu về nơi chốn mình sinh ra, lớn lên, đã rời xa hoặc với những ai chọn nơi đây làm đất định cư lâu dài cũng đều có những khát khao như thế. Sài Gòn là đất hội tụ qua những chiều kích lịch sử – văn hóa, những dấu xưa tồn tại bên cạnh những nét hiện đại của một thành phố trẻ năng động dường như là một mãi lực hấp dẫn cho nhiều người, còn bởi tính rộng mở trong tinh thần phóng khoáng của đất phương Nam.
Sài Gòn đất và người của tác giả Nguyễn Thanh Lợi, một cư dân của Sài Gòn qua gần 5 thập niên, đã vẽ nên những nét chấm phá của một Sài Gòn xưa và nay. Đó là những tên đất, tên người, những diễn biến lịch sử, nhịp sống đời thường để làm nên một dung mạo riêng.
Tại sao gọi là Thủ Đức? Có hay không những địa danh bị viết sai ở Sài Gòn như: Cát Lái, Gò Vấp, Hàng Xanh, An Thít, Rạch Chiếc, Dần Xây, Thanh Đa… Những kiểu đặt tên chợ ở Sài Gòn qua hàng trăm tên chợ, phản ánh tính đa văn hóa của một đô thị lớn với những điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, đặc điểm sinh hoạt kinh tế, quan điểm thẩm mỹ, cùng với sự giao lưu văn hóa của thành phố trong quá khứ và hiện tại. Những cây cổ thụ đã để lại thành địa danh như chợ Cây Da Còm, chợ Cây Da Sà… Đất Thị Nghè bên dòng kênh Nhiêu Lộc đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa nơi thành phố này. Thành phố song nước với cảnh quan “trên bến dưới thuyền” một thời trong lịch sử, những dòng kinh Tàu Hủ, Ruột Ngựa, Lò Gốm gắn liền với các địa danh Lò Gạch, Lò Lu, Lò Gốm, Lò Siêu là những xóm thủ công nổi tiếng của Sài Gòn xưa.
Những đường Thiên lý ở Sài Gòn đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử của vùng đất này trong quá khứ, giúp ta mường tượng được một thời mở cõi của cha ông, không chỉ là con đường chinh chiến mà còn là con đường xây dựng. Chiếc xe thổ mộ có vòm mui đặc trưng đã là hình ảnh quen thuộc gắn với phố phường Sài thành. Sài Gòn đi tiên phong trong việc phát triển giao thông với những sân bay, bến cảng thời thuộc địa, nổi tiếng với xe lửa Mỹ Tho.
Những tập tục, tín ngưỡng cũng là những nét văn hóa riêng của Sài Gòn như chuyện thờ cọp, thờ cá Ông, thờ Bà Chúa Xứ…
Trịnh Hoài Đức với Gia Định thành thông chí, tác phẩm địa chí sáng giá về Nam Bộ, Quách Đàm – người có công xây chợ Bình Tây hay nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư đều giống nhau ở chỗ cùng nhau xây đắp nên Thành phố này. Mỗi bài biết là một câu chuyện nhỏ, giàu tính tư liệu, như lời thầm thì của tác giả vốn rất yêu mến Thành phố này để gửi gắm đến bạn đọc về một “Hòn ngọc Viễn Đông” xưa và nay.
Mời bạn đón đọc.