“Sách cười và lãng quên gồm bảy câu chuyện được trình bày như bảy phần của một tổng thể (“Những bức thư bị mất”, “Mẹ”, “Các thiên thần”, “Những bức thư bị mất”, “Lítost”, “Các thiên thần”, “Biên giới”), xoay quanh các chủ đề về ký ức và tiếng cười, mở đầu cho cấu trúc tiểu thuyết bảy phần như một bản giao hưởng, đặc biệt có thể thấy ở tác phẩm nổi tiếng sau này của Kundera là Đời nhẹ khôn kham. Dù mỗi câu chuyện lại có những tình tiết và nhân vật riêng (chỉ duy nhất một nhân vật xuất hiện lặp lại ở hai câu chuyện khác nhau), song vẫn có thể thấy rõ tính thống nhất của tác phẩm qua các chủ đề (ký ức và sự lãng quên, tiếng cười và bi kịch, v.v.), qua bối cảnh từng câu chuyện và nhất là lối kể chuyện mà ở đó Kundera đan xen các phần tự sự, các bình luận về những gì nhân vật làm và về cả các chủ đề ít nhiều liên quan đến câu chuyện, thậm chí có cả những ký ức được trình bày như tự truyện.
Về Sách cười và lãng quên, Kundera đã viết như sau:“Toàn bộ sách này là một cuốn tiểu thuyết dưới hình thức những biến tấu. Những phần khác nhau của nó nối tiếp nhau như những chặng khác nhau của một cuộc hành trình dẫn vào bên trong một chủ đề, bên trong một tư tưởng, bên trong một tình huống duy nhất và độc nhất mà việc hiểu nó đối với tôi đã biến mất trong cõi xa xăm.
Đây là cuốn tiểu thuyết về Tamina và khi Tamina rời khỏi sân khấu thì nó là cuốn tiểu thuyết cho Tamina. Nàng là nhân vật chính và thính giả chính, tất cả những câu chuyện khác là biến tấu của câu chuyện riêng của nàng và nhập vào nhau trong đời nàng như vào một tấm gương.
Đây là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về sự lãng quên và về Praha, về Praha và về các thiên thần.”
Đây là tác phẩm mới dịch của Kundera ra tiếng Việt lần đầu sau nhiều năm.
TÁC GIẢ
Milan Kundera sinh năm 1929 ở Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981. Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, ông chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Ngoài mười cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn (chín trong đó đã được dịch ở Việt Nam), ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã dịch sang tiếng Việt.
Các tác phẩm của Kundera đã xuất bản bằng tiếng Việt:
Tiểu thuyết, tập truyện ngắn:
– Cuộc sống không ở đây (Cao Việt Dũng dịch)
– Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch)
– Điệu van giã từ (Cao Việt Dũng dịch)
– Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch)
– Sự bất tử (Ngân Xuyên dịch)
– Chậm (Ngân Xuyên dịch)
– Căn cước (Ngân Xuyên dịch)
– Vô tri (Cao Việt Dũng dịch)
– Lễ hội của vô nghĩa (Nguyên Ngọc dịch)
Tiểu luận:
– Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch)
– Những di chúc bị phản bội (Nguyên Ngọc dịch)
– Màn (Cao Việt Dũng dịch)
– Một cuộc gặp gỡ (Nguyên Ngọc dịch)