- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Rock Hà Nội Và Rumba Cửu Long – Câu Chuyện Âm Nhạc Việt Nam:
Cuốn sách của Jason Gibbs, như tiêu đề phụ của nó – “Câu chuyện âm nhạc Việt Nam” – là một tự sự (narrative) về lịch sử, văn hoá Việt Nam mà tác giả đã lựa chọn một góc nhìn lâu nay ít được chú ý – âm nhạc – để quan sát. Không bám vào những biến cố, những sự kiện lớn trong suốt thời kỳ hiện đại, nhưng chính từ góc nhìn hẹp này, Jason Gibbbs đã khám phá ra những yếu tố bền vững sau nhiều thăng trầm, những tiếp nối ngầm ẩn dưới bề mặt gián đoạn của văn hoá Việt Nam được phản ánh qua đời sống của những ca khúc, những thể loại nhạc, những gương mặt nhạc sĩ.
Cuốn sách không chỉ thể hiện lòng say mê, sự am hiểu của một nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hoá, ngôn ngữ và âm nhạc Việt Nam mà còn cho thấy sự lao động công phu, tỉ mỉ để tiếp cận đối tượng của tác giả thể hiện ở nỗ lực sưu tầm, phục dựng một khối lượng tư liệu phong phú cũng như ý thức khắc phục định kiến khi mô tả, tái hiện những hiện tượng âm nhạc trong lịch sử. Chính điều này là một yếu tố quan trọng tạo nên tính thuyết phục của những câu chuyện âm nhạc mà tác giả kể. Cuốn sách cũng có thể xem như một tài liệu tham khảo trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá đại chúng (popular culture) – một lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn trong việc khám phá trạng thái tâm lý, nhận thức xã hội nhưng cho đến nay, vẫn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.
Jason Michael Gibbs sinh năm 1960, hiện làm công tác thư viện ở Thư Viện Công cộng San Francisco, California, Mỹ, chuyên về âm nhạc.
Ông đã từng xuất bản những bài nghiên cứu về nhạc Việt trong các tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Xưa và Nay. Ông cũng soạn bài về Việt Nam và người Việt hải ngoại cho quyển tử điển bách khoa Encyclopedia of Popular Musics of the World (Continuum,2005).
Mục lục:
Lời giới thiệu
Lời tác giả
Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương của Việt Nam trước 1940
Nhạc tiền chiến: Khởi đầu của ca khúc phổ thông Việt Nam
Cải cách và truyền thống trong ca khúc phổ thông Việt Nam thời kỳ đầu
Kịch nói, La Scène Tonkioise (Hội kịch Bắc kỳ), và những bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên
Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: Những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17
Nhạc vàng hoá “vàng”
Điệu Rumba trên dòng Cửu Long: Bolero – một dạng ca khúc phổ thông Việt Nam
Truyền thống và sự tiếp biến trong hình thành âm nhạc xã hội Việt Nam
Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc Việt Nam sau năm 1975
Trần Tiến: Người hát rong của thời Đổi Mới
Hà Nội “rock” như thế nào? Lối vào Rock’n’Roll ở Việt Nam
Quốc nhạc Việt Nam: Hành trình tìm kiếm bản Quốc ca
Đến Việt Nam qua cánh cửa hẹp
Mời bạn đón đọc.
Rock Hà Nội & Rumba Cửu Long
Nền tân nhạc Việt Nam vận động luôn đặt trong sự tương tác trực tiếp với đời sống và bối cảnh lịch sử được cuốn sách phát hiện phân tích một cách lý thú. Âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam trước thế kỷ 20 có thể kể đến hát chèo, hát bội và cũng có thể kể đến “lai lịch mù mờ” của hát ả đào (ca trù, còn được gọi là giao hưởng của Việt Nam). Cải lương là loại hình xuất hiện đầu thế kỷ 20.
Từ những bài thánh ca theo bước chân các nhà truyền giáo Pháp cho đến sự xuất hiện của trường Viễn Đông Nhạc Viện (1927) đã làm nên dấu ấn khởi đầu quan trọng trong tân nhạc Việt Nam. Cuộc “lột xác” không giản đơn là từ ngũ cung sang ký âm theo nhạc lý phương Tây mà nó nằm cả trong tinh thần nỗ lực độc lập của thế hệ nhạc sĩ Tây học ban đầu: khởi động với hình thức viết lời Việt trên nền ca khúc Pháp đến sự ra đời của dòng nhạc tiền chiến có diện mạo riêng với: Văn Chung, Lê Yên, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Lê Thương, Dzoãn Mẫn, Lưu Hữu Phước…
Âm nhạc Việt Nam, dù muốn dù không, nó luôn chịu “từ trường” của bối cảnh chính trị quy định. Văn Cao gặp những trục trặc không nhỏ với số phận bản Tiến quân ca, rock Việt của Lê Hựu Hà bị dè chừng và cấm đoán, sự lên án trào lưu rock ở đô thị Sài Gòn trước 1975, sự dẹp bỏ rock band Đen Trắng của Trần Tiến là những chi tiết được nhìn lại khá điềm tĩnh nhưng ẩn giấu nhiều góc nhìn hài hước. Câu chuyện âm nhạc còn là chuyện thời cuộc và văn hoá. Ví dụ như sự ra đời của nhạc sến thập niên 60 thế kỷ trước gắn với “tình trạng” người bình dân của người nông thôn ra thành thị. Những kiến giải bất ngờ về mối tương đồng giữa hát ả đào trong truyền thống với hát karaoke hiện đại – Tại sao bản chất giống nhau nhưng ngày nay hát ả đào đi vào bảo tàng còn karaoke thì “được người Việt rống lên khắp nơi”? Âm nhạc thời đổi mới với chân dung khá đầy đặn về một hiện tượng Trần Tiến – kẻ hát rong trung thành với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng không phải bao giờ cũng suôn sẻ, sự khẳng định sức sống mới của rock band Bức Tường; ngôn ngữ hiện đại và đặc thù Việt Nam trong rock của Gạt Tàn Đầy cả những vấn đề nhạy cảm như: tính độc lập của nền chính trị, tư tưởng người Việt Nam từ nghi thức đàn Nam Giao, nhạc lễ trong đấu xảo thuộc địa đến việc diễn xướng quốc ca hôm nay…
Một tập hợp những bài nghiên cứu được gọi tên khiêm tốn “Câu chuyện về âm nhạc Việt Nam”, được viết với giọng văn bình thản, khách quan, dễ đọc. Jason Gibbs đưa ra bức tranh chưa phải là toàn cảnh nhưng đã đi vào nhiều vấn đề có tính cốt lõi trong một nền tân nhạc nhiều vận động và xáo trộn. Sách là kết quả của quá trình khảo cứu kỹ lưỡng những tài liệu lịch sử âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật Việt Nam. Cuốn sách đáng đọc không chỉ cho những ai quan tâm đến nhạc Việt!
N.V.N
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn