- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Harry “Rabbit” Angstrom, một chàng trai hai mươi sáu tuổi, cựu ngôi sao bóng rổ nay là nhân viên bán hàng lưu động, là một nam nhi quyến rũ và một con người phức tạp. Anh hành động theo bản năng nhưng dường như chẳng phải là người không biết nghĩ. Bỏ vợ con trong một phút bốc đồng, anh vừa tìm thấy khoái lạc vừa cảm nhận ra một khoảng trống trong chính anh, khoảng trống mà anh chật vật cố lấp đầy. Loại phụ nữ nào cần đến anh và loại phụ nữ nào nguyền rủa anh? Anh đáng cho ta cảm thông hay đáng bị ta căm ghét? John Updike, bằng nghệ thuật kể chuyện và phân tích tâm lý bậc thầy, cho ta thấy lằn ranh giữa các khái niệm khác nhau về nhân cách con người là mù mờ và võ đoán ra sao.
***
Nhận định:
“Sức mạnh của cuốn tiểu thuyết là từ cái cảm giác rằng cả vũ trụ treo bên trên số phận của chúng ta như một bầu trời to lớn tuyệt vọng, hung hiểm. Có một nỗi đau chân thật trong cuốn sách, và một nét bàng hoàng rợn ngợp.”
– Norman Mailer, Esquire
“Một câu chuyện nhói lòng về mất mát và tìm kiếm, viết bằng thứ văn ngập tràn cảm xúc song luôn luôn được tiết chế đến độ tuyệt hảo.”
– Kansas City Star
Mời bạn đón đọc.
Rabbit ơi, chạy đi
Hành trình đi tìm tự do của một cựu ngôi sao bóng rổ trung học. Kẻ bỏ vợ con trong phút bốc đồng đáng được cảm thông hay bị căm ghét?
Rabbit ơi, chạy đi ra đời năm 1960, là cuốn mở đầu bộ tứ tiểu thuyết về Henry Angstrom biệt hiệu “Rabbit” (Thỏ) đã đưa John Hoyer Updike thành tên tuổi lớn trên văn đàn Mỹ hiện đại. Đây là một cuốn sách phức tạp với cốt truyện đơn giản: cuộc chạy trốn khỏi gia đình của Rabbit, một cựu ngôi sao bóng rổ thời trung học, bỏ lại cô vợ đang mang bầu sắp sinh và cậu con trai nhỏ; những nỗ lực của hai gia đình nội ngoại và ông mục sư thuyết phục anh quay về, trong khi Rabbit bắt bồ và tới sống chung với một cô gái khác.
Chuyến phiêu lưu tìm tự do của Rabbit trở thành cơ hội để từng nhân vật trở ngược vào chất vấn lối sống và các định kiến đạo đức của bản thân, trong khi nhà văn nhân đó khám phá các giá trị nội tại và bức tranh tinh thần của xã hội Mỹ cuối thập kỷ 1950.
Bằng nghệ thuật kể chuyện và phân tích tâm lý bậc thầy, Updike cho thấy lằn ranh giữa các khái niệm khác nhau về nhân cách con người là lù mờ và võ đoán ra sao.
Nhận định về Rabbit ơi, chạy đi, Kansas City Star viết: “Một câu chuyện nhói lòng về mất mát và tìm kiếm, viết bằng thứ văn ngập tràn cảm xúc song luôn luôn được tiết chế đến độ tuyệt hảo”.
Về tác giả John Hoyer Updike
Sinh ngày 18-3-1932, John Updike có một tuổi thơ đơn độc tại một trang trại ở Pennsylvania (đông bắc nước Mỹ). Năm 1950, Updike vào trường Harvard, sau đó trở thành tổng biên tập của tạp chí Harvard Lampoon.
Sau khi học xong đại học, Updike dành toàn bộ tâm trí để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Nhân mã (Centaur). Cuốn sách đã mang lại cho Updike giải National Book Award, một trong những giải thưởng văn học cao quý của Mỹ. Lúc này Updike đã 32 tuổi. Nhưng điều đã nâng Updike lên đỉnh cao trong giới văn học và truyền thông chính là câu chuyện về Harold Rabbit, cựu ngôi sao bóng rổ được niềm tin vào Chúa trời và giấc mơ Mỹ thúc đẩy.
Năm 2006, ông đã thử thay đổi cách kể chuyện với tiểu thuyết trinh thámGã khủng bố (Terrorist), viết về một thanh niên Mỹ gốc Ả Rập ở New Jersey sau này trở thành khủng bố vì chán ngán kiểu sống vật chất thực dụng Mỹ. Hai năm sau, Updike cho xuất bản tiếp Những góa phụ ở Eastwick (The widows of Eastwick), gây tiếng vang giống như tiểu thuyết hài xã hội – dục tính rất thành công của ông xuất bản năm 1984 là Những nữ phù thủy ở Eastwick (The witsches of Eastwick). Năm 1987, tác phẩm được chuyển thể thành phim và do các ngôi sao Jack Nicholson, Cher và Susan Sarandon đóng vai chính.
Updike được xem là một trong những nhà văn hàng đầu ở Mỹ. Qua đời ngày 27-1-2009 tại Beverly Farms (Massachusetts), ông để lại một sự nghiệp văn chương phong phú.
|
Thùy Chi
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn