Henryk Sienkievich là một trong những văn hào lớn nhất của nhân dân Ba Lan. Sáng tác của ông có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hoá Ba Lan, đồng thời được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới. Với tiểu thuyết Quo Vadis Ông được tặng giả thưởng Nobel văn học năm 1905.
Tác phẩm Quo Vadis được sáng tác trong thời kỳ sung sức nhất của H. Sienkievich. Dưới ngòi bút tinh tế và khoáng đạt của H. Sienkievich, từng nhân vật hiện lên sắc nét với cả chiều sâu tâm lý, tính cách, với tất cả những mâu thuẫn nội tâm phức tạp, những mối quan hệ xã hội dằng dịt, những đột biến nghịch lý mà hoàn toàn hợp lý nảy sinh trong quá trình vận động phát triển.
Nêro bạo chúa – nghệ sĩ toàn năng, ba mươi tuổi, xuất hiện trên những trang sách của Quo Vadis trong cái năm 64 đầy biến động dẫu đã mang nặng trong thâm tâm những bóng ma đẫm máu của vợ, của bao nhiêu người khác bị giết hại, dẫu sống trong nỗi lo sợ triền miên về quyền lực, nhưng vẫn là một nghệ sĩ đang trăn trở với những day dứt của quá trình lao động nghệ thuật.
Với ảo vọng viết thiên trường ca về sự triệt phá thành Troia, bản trường ca sẽ làm lu mờ ánh vinh quang của Iliad và Odyssey của Homer, hắn nhất thiết phải được nhìn thấy ánh lửa của một thành phố lớn đang bốc cháy. Và thế là để làm hài lòng bạo chúa, lũ triều thần xu nịnh do Tygelinux cầm đầu đã đang tâm châm lửa thiêu cháy thành Roma. Vốn hèn nhát, Nero không dám chịu trách nhiệm bởi kinh sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Kito hữu. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của đám quần chúng đang đòi nợ máu được thoả sức hoành hành trong cuộc khủng bố, với tiếng thét “ném bọn Kito giáo cho sư tử”, với cảnh tàn sát hàng loạt người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh lên thánh giá, bằng cách thiêu sống… Tàn bạo bao nhiêu thì đớn hèn bấy nhiêu, tàn bạo chính vì đớn hèn – đó là cốt cách muôn thuở của lũ bạo chúa. Nero tàn bạo trước cái chết của hàng nghìn người khác, nhưng đến lượt hắn, hắn run rẩy không sao đâm nổi dao vào cổ tự sát, để rốt cuộc phải nhận một cái chết nhục nhã mà lịch sử vẫn dành cho lũ bạo chúa, xưa cũng như nay…
Ngay cả những nhân vật phụ cũng hiện lên rõ nét với bề dày tâm lý – xã hội đầy đủ dưới ngòi bút trác việt của tác giả. Những trang miêu tả cảnh sinh vật, những đám rước, những tiệc rượu, những cảnh tàn sát giáo dân… vô cùng sống động chân thực, giàu màu sắc mà không chút khoa trương, mang đến cho người đọc không khí của xã hội La Mã hồi đầu công nguyên.
Mời bạn đón đọc.