Năm 2007 tại Mỹ, "Platon và con thú mỏ vịt bước vào quán bar" lọt vào danh sách Top bán chạy của tạp chí New York Times. Người viết – Thomas Cathcart và Daniel Klein – vốn đang theo đuổi những nghề nghiệp bình thường sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Triết học tại Harvard.
"Vừa tếu vừa nóng bỏng"
Nhưng cái gọi là "nghề nghiệp bình thường" của 2 tác giả này cũng thật đặc biệt, Thomas làm việc với các băng đảng đường phố Chicago và ra vào nhiều trường Thần học. Daniel viết truyện cười cho các diễn viên hài, ngoài ra còn viết những truyện ly kì hồi hộp. Họ nảy ra ý định viết triết tếu sau khi phát hiện ra rằng các khái niệm triết học có thể được soi sáng bằng những truyện tiếu lâm, và có cả một kho truyện tiếu lâm chất chứa nội dung triết học.
Quả thực trong một cuốn sách chỉ vỏn vẹn hơn 200 trang, Thomas và Daniel đã thâu tóm gọn ghẽ những khái niệm triết học quan trọng và điển hình nhất trong lịch sử. Hai ông đi được từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học thế kỉ 20, không quên ngó sang một số khái niệm triết học trong Phật học nói riêng và triết học tôn giáo nói chung. Đây cũng là một cuốn sách mỏng về triết hiếm có đặt ra một cách nhẹ nhàng bằng những mẩu chuyện hài hước sự mâu thuẫn giữa hiệu quả kinh tế và tinh thần đồng loại trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Hai ông bình luận: "Vấn đề phức tạp này dẫn đến một sự thỏa hiệp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, được biết đến dưới tên gọi nền dân chủ xã hội, trong đó người không có khả năng lao động được hưởng trợ cấp, và pháp luật bảo hộ thỏa ước tập thể. Nhưng sự thỏa hiệp này đã buộc một số người phái tả phải chấp nhận các đối tác "đồng sàng dị mộng".
Các khái niệm đặt ra rất nghiêm túc, đúng không? Nhưng khi minh họa bằng các câu chuyện hài thì lại cho kết quả ngược lại. Nét kì tài của "Platon và con thú mỏ vịt bước vào quán bar" đó là sự trộn lẫn giữa tính nghiêm túc và hài hước, giữa các khái niệm rất lớn (phổ quát) và những chi tiết rất nhỏ, thậm chí Thomas và Daniel đã sử dụng nhiều mẩu chuyện cười về giới tính và sự sexy, đến mức tờ Boston Globe đã viết rằng cuốn sách này "vừa tếu vừa nóng bỏng".
"Trông kìa, anh ấy đang động đậy!"
Trong khi trả lời một trong những câu hỏi lớn nhất của nhân loại – đâu là động lực sống của con người -, tác giả đã viện dẫn đến Heidegger (triết gia hiện sinh Đức) như là một bậc thầy xuất sắc. Ông phát biểu rằng "Sự tồn tại của con người là tồn-tại-hướng-đến-cái-chết. Để sống đích thực, chúng ta phải đối mặt với sự thật là chúng ta sẽ phải chết và nhận lấy trách nhiệm sống một cuộc đời có ý nghĩa dưới bóng cái chết.
Dưới đây là mẩu chuyện vui minh họa kể về 3 người đàn ông phải lên thiên đường sau một tai nạn xe hơi. Không biết họ muốn nghe người thân của mình nói gì khi đang nằm trong linh cữu?
Người thứ nhất nói: "Tôi mong mọi người sẽ nói tôi là một bác sĩ xuất sắc và là một người chồng, người cha tốt của gia đình"
Người thứ hai nói: "Tôi muốn nghe mọi người nói rằng tôi là một thầy giáo đã tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc đời lũ trẻ"
Người thứ ba nói: "Còn tôi muốn nghe ai đó kêu lên: "Trông kìa, anh ấy đang động đậy!"
Tác giả nhận định, đối với Heidegger, sống dưới bóng cái chết không chỉ là can đảm hơn; đó còn là cách sống đích thực duy nhất, bởi vì tận số của chúng ta có thể đến bất cứ lúc nào.
"Platon và con thú mỏ vịt bước vào quán bar" khá dễ đọc với nhiều tình tiết gây lôi cuốn, kiến giải nhiều vấn đề trong cuộc sống, mang đến một cách tiếp cận triết học khái quát, có chiều sâu nhất định, lạ lẫm mà thú vị. Và dù chỉ hơn 200 trang nhưng tác giả đã trình bày chu đáo với phần chú thích các khái niệm triết học đi kèm.
Tuy vậy cuốn sách không phải không có nhược điểm: nhiều truyện hài có thể đã quen thuộc với độc giả Việt Nam, và một số truyện chứa đựng yếu tố tình dục có thể sẽ không làm cho một nhóm độc giả hài lòng.
(Báo vietnamnet.vn giới thiệu ngày 12/10/2013)
Vân Sam
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn