Phong Tục Cổ Truyền Việt Nam Và Các Nước:
Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình cơ bản của mọi sự sống trên trái đất, trong đó có con người, bất kể thuộc nền văn hóa nào. Muốn sống, con người phải thực hiện quá trình trao đổi chất với môi trường tự nhiên. Từ phụ thuộc đến tôn thờ, sùng bái tự nhiên, hình thành tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên là nét phổ biến cho mọi dân tộc trên trái đất, trong tuổi ấu thơ của nhân loại. Người Ai Cập cổ đại thờ thần mặt trời, thần bảo hộ mùa màng, đất đai, thần gieo hạt. Họ thờ cả thần động vật như cừu, bò cái, chim ưng, diều hâu…. Người Do Thái là dân tộc đầu tiên của nền văn minh phương Tây đạt tới sự tin tưởng vào một Chúa duy nhất, thì tôn giáo ấy cũng phải trải qua thời kỳ hình thành và phát triển lâu dài, bắt đầu từ tín ngưỡng tô tem, được thay thế bằng sự thờ cúng tổ tiên tiến hình thành thờ cúng thị tộc rồi dần dần thay thề bằng sự thờ cúng các thần địa phương….
Với quá trình phát triển, tức là sự sinh sôi nẩy nở giống loài cũng vậy. Sinh đẻ là hiện tượng huyền diệu và bí ẩn mà trong suốt buổi ban sơ con người không thể không kinh ngạc, thán phục và sợ hãi. Từ đó dẫn đến tín ngưỡng phồn thực, những tục lệ thờ cúng liên quan đến sự sinh đẻ cũng là hiện tượng phổ biến và hiển nhiên. Đâu chỉ có văn minh nông nghiệp mới say sưa với tín ngưỡng phồn thực và thờ sinh thực khí. Thiết tưởng các nền văn minh du mục, với sự sinh sôi nẩy nở của “con” phải biết sớm hơn, quan tâm đầy đủ và thực tế hơn, “trực quan sinh động” hơn sự sinh nở của “cây” nhiều.
Vấn đề là ở chỗ, nhân loại vốn xuất phát từ một điểm rất gần nhau, nhưng mỗi nền văn hoá có một đường hướng hình thành riêng, có quá trình vận động, biến đổi và phát triển bị quy định bởi những điều kiện địa lý tự nhiên và lịch sử xã hội cụ thể.
… Một phương thức tồn tại và lưu truyền yếu tố thiêng liêng trong văn hoá của người Việt là lễ hội dân gian. Lễ hội đã ra đời và tồn tại liên tục trong suốt chiều dài lịch sử của người Việt, là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của họ. trong tính nguyên hợp của nó, lễ hội dân gian vừa là hoạt động tín ngưỡng thờ cúng thần linh, vừa là hoạt động vui chơi giải trí, là sinh hoạt văn hoá sản xuất vật chất.
Nếu không có lễ nghi thờ cúng thần linh sẽ không có lễ hội. Thiêng liêng là yếu tố thứ nhất, là linh hồn của lễ hội. Hàng chục triệu người trên khắp đất nước hàng năm vẫn hàng hương về cội nguồn, về qua đất tổ trong những ngày lễ hội, ngày tết vì một nhu cầu tìm đến những khoảnh khắc thanh lọc hiếm hoi, gác sang một bên mọi khó nhọc của đời thường để sống với cõi hằng tâm, để tìm nạp những nguồn năng lượng mới, nhân năng và thiên năng…
Dĩ nhiên, lịch sử sẽ sàng lọc và thải loại những gì cần bỏ. Nhưng những gì còn lại đến hôm nay làm thành một mảng đời sống tinh thần của người Việt, thành lối sống và ứng xử văn hoá của họ, đều được mọi người cảm nhận trong gắn kết cái đẹp và cáo thiêng liêng. Với sự gắn kết ấy, người Việt đã tạo nên những danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc chùa đền miếu, và bảo vệ nó trường tồn. Sự gắn kết ấy là cội nguồn cảm xúc của mỗi chúng ta khi đến bên lăng Bác, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng hay nghe giai điệu quốc ca.
Yếu tố thiêng liêng trong văn hoá của người Việt là một giá trị tinh thần tạo nên tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo, tình cảm yêu nước thiết tha và lòng thương người như thể thương thân. Đó là một yếu tố tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc, vì vậy mà bất cứ một yếu tố văn hoá ngoại sinh nào khi tiếp xúc và hội nhập vào văn hóa Việt Nam cũng đều có một độ khúc xạ độc đáo.
Mục lục:
Phong tục Việt Nam
Sự hình thành yếu tố thiêng liêng trong văn hoá của người Việt
Phong tục cổ truyền Việt Nam
Phong tục các nước
Châu Á
Châu Âu
Châu Phi
Châu Mỹ
Châu Úc
Mời bạn đón đọc.