Một bé con. Một tình nhân. Và một người mẹ.
Đời nàng mở ra mặc khải “ký ức tình yêu giúp làm vơi nhẹ.”
Cuộc đời một con người được tái dựng trong chưa đầy 200 trang sách. Điều đó xem chừng là bất khả cho tới khi ta đọc một tác phẩm như Phố Academy: Màn thứ nhất – cô bé Tess mồ côi mẹ; màn thứ hai – nàng Tess yêu khờ dại; và màn cuối – bà Tess bất hạnh.
Cuốn tiểu thuyết không mới mẻ trên bình diện khắc họa một đời người, nhưng chính sự “không mới mẻ” này lại khiến nó tạo nên những cảm xúc rất thực. Rồi chúng ta sẽ nhớ thắt lòng hình ảnh cô bé Tess thảng thốt, ngác ngơ trước chiếc quan tài mẹ: “Mẹ đã đi mất. Mẹ của Tess đi xa rồi. (…) Bé cảm thấy mặt đất dưới chân sụp xuống – thảm cỏ, cánh đồng và gò đất đang trượt ra xa, đến khi bé bị bỏ mặc bơ vơ nơi đỉnh gò trơ trụi. (…) Bé hầu như không thở nổi. Tess ngoảnh về phía vầng mặt trời đã xuống thấp, nhắm mặt và chờ đợi. Xin hãy rủ lòng thương. Bé chờ khuôn mặt mẹ hiện lên, chờ một cánh tay chìa ra. Toàn bộ cơ thể Tess nhướn lên, khao khát được mặt trời chạm vào, được gió nâng lên, bầu trời mở ra và cõi Thiên Đường kéo bé vào.” Niềm nhớ mẹ của Tess làm chúng ta cũng giật mình muốn gọi: “Mẹ, mẹ ơi!”
Chính mất mát vào tuổi ấu thơ ấy đã khiến nhân vật Tess cuống quýt kiếm tìm yên ấm, mãi mãi về sau. Tess thèm được có ai đó cho riêng nàng. Đâu phải chú Mike bởi lời chú hứa cưới nàng chỉ là trò bông đùa hồn hậu; cũng đâu phải chị Claire vì chị rời đi Mỹ – miền đất hứa rồi. Tâm trí Tess chịu ám ảnh về một mối quan hệ lấp đầy sự trống rỗng hoang hoải nơi nàng, và nàng gặp David. Anh càng dửng dưng thì Tess càng khao khát, anh càng xa cách thì cô gái càng muốn lại gần: để dựa đầu lên vai anh, hôn anh, để cùng anh “hòa nhập”. Cuộc hoan ái với chàng trai chỉ diễn ra một đêm song đã kéo dài miên viễn trong đời Tess – kéo dài nỗi thảng thốt lại bị bỏ rơi, kéo dài bất hạnh: “David bỏ đi thật rồi. Hết thảy thanh danh, hết thảy hạnh phúc, đã theo anh đi mất và nàng bị bỏ lại giữa tình cảnh ngặt nghèo.” Một lần nữa, những cảm xúc mãnh liệt của nhân vật cuốn chúng ta theo, khiến ta ngả nghiêng rất thực: “Tess bò vào giường. Trong bóng tối làn môi nàng tự nhiên chu lại như đang hôn, thêm một nụ hôn nữa, cặp môi máy động như hớp lấy không khí. Những thứ, trước đây tơ tưởng là thiếu đoan trang, giờ không còn vậy nữa: tay chân anh, làn da anh, bàn tay anh đặt trên bụng nàng. Hãy trở lại với em.”
Đời Tess không chan chứa gì ngoài mất mát, ngay cả đứa con trai những tưởng sẽ làm tròn đầy đời bà sau cuối cũng lìa xa mẹ – ngay trong cõi sống và sau đó, bằng cái chết.
Lấy bối cảnh phố Academy, nước Mỹ và Mary Costello viết về số phận một phụ nữ gốc Ireland. Với người nhập cư, xứ sở cờ hoa trao gửi giấc mơ nao? Mộng lành – “cuộc đời nơi đây là đáng sống, là lý tưởng” hay mộng dữ – lũ chim ác đâm ngang tòa tháp?
Lời chị Evelyn than xiết: “Cô biết sao không? Trước giờ những gì nước Mỹ mang tới cho gia đình này chỉ toàn là bất hạnh” cơ hồ đẩy người đọc vào ngả chông chênh trước tín điều về giấc mơ Mỹ lấp lánh. Lựa chọn khắc họa cái bất hạnh song may thay Mary đã “làm điều này khúc chiết, chân thật không ủy mị”. Tuổi ấu thơ mơ mộng Thiên Đường, ngày xế bóng sực ngẫm ra “đã không có vườn Địa Đàng, sẽ không có vườn Địa Đàng” nhưng Tess không gây cho ta thứ cảm giác bi lụy lê thê. Dẫu gợi ngậm ngùi, dẫu khơi nuối tiếc, nhân vật vẫn chứng tỏ một đời sống can trường “những ngày như mọi ngày bà sẽ đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia để bước đi”, một “mặc khải” rằng “ký ức tình yêu giúp làm vơi nhẹ”: Tess đã yêu mẹ, yêu một người đàn ông và yêu con trai tới tận cùng tế bào mình.
Có thể nói rằng, trong không gian phố Academy nhỏ bé, Mary Costello đã khắc họa một số phận dễ chìm khuất giữa đám đông “nhu thuận và mờ nhạt” tuy không viện đến những thủ pháp văn chương đột phá nhưng vẫn đủ sức lay động tâm can tới tột cùng.
Mời bạn đón đọc.