Pháp Sư Xứ Hải Địa:
Từ nhỏ, Geo đã bộc lộ những năng khiếu pháp thuật bẩm sinh. Đam mê học hỏi và khát khao đạt đến pháp thuật tối cao, chàng đã can thiệp vào những bí mật được cất giữ từ bao đời và giải thoát cho một bóng đen khủng khiếp, để rồi phải đến ranh giới tử địa….
“Tiểu thuyết bộ ba về xứ Hải Địa của Ursula K.Le Guin thuộc hàng những tác phẩm kỳ ảo được yêu thích nhất thời đại. Thế giới Hải Địa lộng gió được so sánh với Middle-Earth của J.R.R Tolkien hay Namia của C.S.Lewis, là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất trong nền văn học kỳ ảo” (Bantam Spectra Books)
“Thế giới Hải Địa do Le Guin sáng tạo trong tiểu thuyết bộ ba tuyệt vời – với những con rồng phun lửa và vô số pháp thuật – đã thay thế Middle Earth của Tokien, để được lựa chọn là mảnh đất dành cho cuộc phiêu lưu kỳ thú nơi thế giới khác.” (Sunday Times)
“Cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn, ngay khi thưởng thức những trang sách đầu tiên, bạn sẽ háo hức cố tưởng tượng ra tất cả những cuộc phiêu lưu của Ged, và nhờ những gì chàng thể hiện trong cuốn sách này, bạn có thể được tiếp thêm sức mạnh để có thể vững bước trên đường đời, bạn sẽ nhận ra rằng giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề là hãy đối mặt với nó” (Mairim)
Mục lục:
Những chiến binh trong sương mù
Bóng đen
Trường pháp thuật
Bóng đen tẩu thoát
Con Rồng xứ Pendor
Bị săn đuổi
Chim Cắt cất cánh
Săn Đuổi
Đảo Iffish
Biển Đại Hải
Mời bạn đón đọc.
(Thứ tư, 30/04/2008)
Cuốn sách lập tức kéo tuột bạn bước vào thế giới kỳ ảo, gặp gỡ Ged với những pháp thuật tối cao trong cuộc đối đầu khốc liệt với con rồng già, bóng đen và những câu chuyện tuyệt hay về tình thày trò, tình bạn…
Bạn sẽ khó lòng tưởng tượng Pháp sư xứ Hải địa đã được viết cách đây đến 40 năm, vì những vấn đề đặt ra dường như không bị bào mòn bởi thời gian. Những ai từng đọc Harry Potter đều khó lòng thờ ơ trước cuốn sách được các nhà phê bình cho là tác phẩm đã khơi nguồn cảm hứng cho J.K.Rowling viết nên câu chuyện tuyệt vời về phù thủy nhóc mang cặp kính cận.
Từ nhỏ, Duny lớn lên như bao đứa trẻ khác ở làng quê. Được bà mẹ đặt cho một cái tên, được cha hướng nghiệp trở thành một người thợ lò rèn. Cậu bé mất mẹ từ nhỏ và lớn lên như một cây cỏ mọc dại, mọc khỏe; bài học của cậu ở lò rèn là rất nhiều cái tát và roi vọt từ người cha. Nhưng Duny không chú tâm vào sự dẫn dắt ấy, cậu tìm thấy niềm vui trong những chuyến lang thang vào rừng sâu, bơi trên những khúc sông chảy xiết, trèo qua những vách đá thẳng đứng… Dường như luôn có điều gì vẫy gọi, thôi thúc cậu trong tiềm thức.
Với năng lực của một pháp sư bẩm sinh, Duny nhanh chóng được bà dì, vốn là một phù thủy làng, phát hiện và dạy những bài học đầu tiên về pháp thuật. Sau chiến công tạo nên màn sương mù xua quân thù kéo đến đàn áp dân làng, Duny đã được pháp sư Ogion Câm lặng đến tìm. Cậu được nhận một cái tên thật của mình – Ged. Và ngôi làng nhỏ, bễ lò rèn cùng người cha nóng tính đâu thể giữ chân chàng phù thủy nhỏ tuổi ấy…
Quãng thời gian lưu lại tại đảo Roke của Ged là một phần đầy sức lôi cuốn với độc giả trẻ. Đơn giản vì đảo Roke chính là trường dạy pháp thuật. Nơi đây, cánh cửa vào trường được làm bằng chiếc răng của Rồng Chúa không dễ dàng chịu mở cho bất cứ ai. Nơi đây, Ged dồn mọi ý chí cho những bài học, những bùa chú, lịch sử và kỹ năng với thầy Chín; học các bài thơ về sự thông thái cùng thầy Thi sĩ; học cách điều khiển gió và thời tiết cùng thầy Phong Vũ; học tính chất và công dụng của mọi loại thực vật qua thầy Thảo Mộc; học các phép biến hóa đơn giản từ thầy ảo thuật… Và một bí quyết của các pháp sư, bài học khó nhất – bài học kéo dài đến suốt đời, là học tên những sự vật xung quanh mình… Trở thành một pháp sư thực sự là một hành trình đầy gian nan với những cậu bé phù thủy. Và bởi thế, câu chuyện về chàng pháp sư mặt sẹo càng tăng tính thuyết phục đối với độc giả.
Được đánh giá là cuốn tiểu thuyết thuộc hàng những tác phẩm kỳ ảo được yêu thích nhất thời đại, Pháp sư xứ Hải địa được so sánh với Middle-Earth của J.R.R. Tolkien hay Narnia của C.S.Lewis. Điều khiến cho cuốn sách có một sức sống bền lâu theo thời gian, ngoài những cuộc phiêu lưu kỳ thú, đó là những bài học để bạn được tiếp thêm sức mạnh trên con đường đời. Là một tình bạn keo sơn giữa Vetch và Ged, những người sẵn sàng vì nhau xông pha đến nơi gian nguy nhất. Là những người thầy như Tổng Pháp sư đã không quản đến tính mạng của mình để cứu sống trò. Là bài học mà bạn sẽ nhận ra qua cuốn sách này, rằng giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề là hãy đối mặt với nó. Là câu hỏi mà bạn cần trả lời về sự sống, cái chết, sức mạnh và trách nhiệm…
Tác giả của Pháp sư xứ Hải địa là một nữ nhà văn người Mỹ, Ursula Kroeber Le Guin (sinh năm 1929). Cho đến nay, bà đã xuất bản 30 cuốn sách, phần lớn thuộc thể loại văn học kỳ ảo và khoa học giả tưởng. Cuốn Pháp sư xứ Hải địa mang lại cho Ursula tên tuổi trong thể loại văn học thiếu nhi, mới đây đã được đạo diễn người Nhật Goro Miyazaki dựng thành phim. Ursula Kroeber Le Guin đã được nhận nhiều giải thưởng văn học trong đó có giải thưởng thành tựu trọn đời của Hiệp hội Thư viện Thiếu nhi Mỹ trao tặng.
Ngọc Mai
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn