Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh nói về nguồn gốc và sự cấu tạo của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, tái hiện lại một phần chặng đường 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã chắt lọc các tố chất của cách mạng, tinh luyện thành chất men tổng hợp có khả năng làm bùng sôi động lực quật cường ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta được biết rằng Bác Hồ đã đi rất nhiều nơi, tham khảo và đánh giá các ưu, khuyết điểm của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ, Trung Hoa, Nga, để rồi quyết định chọn lựa con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì đây là con đường có lợi nhất cho người dân Việt Nam.
“Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo”
Tác giả Vũ Đình Hoè mở đầu chương 14 “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” bằng hai câu thơ bất hủ của Nguyễn Trãi. Từ đó để thấy rằng tư tưởng Nhân Nghĩa mà Bác Hồ lĩnh hội được không phải ở đâu xa mà chính từ tinh hoa của lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam. Tinh thần Nhân Nghĩa từ ngàn xưa qua bao đời vẫn luôn thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Xưa, khi quân Ngô thất trận, người Việt Nam sẵn sàng cấp ngựa, lương thực cho bọn bại trận về với quê hương. Nay, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấp hành lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tiếng súng vừa dứt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra chỉ thị trao trả thương, bệnh binh cho quân đội viễn chinh Pháp. Và lần đầu tiên người ta biết đến khái niệm “pháp quyền nhân nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình một định nghĩa tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng lại dung hoà trong một thể thống nhất. Và đó cũng là cái đích cuối cùng mà pháp quyền hướng đến.
Con người sẽ trở thành dị nhân nếu không có tâm hồn. Thế giới này vẫn đang đấu tranh từng giây, từng phút vì sự tồn tại của chính nghĩa. Và pháp quyền của Hồ Chí Minh là pháp quyền giai cấp và dân tộc – bảo vệ đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, kiến quốc. “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như những vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người thì phải thương nước thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức (trích bài giảng của Bác Hồ về vấn đề pháp quyền). Lấy cái hữu hạn của pháp quyền đặt cạnh cái vô hạn của nhân nghĩa, Bác Hồ đã phá đi rào cản vô hình, dung hoà giữa lý và tình, giữa yêu thương và thù hận. 500 năm trước, Nguyễn Trãi chắc chắn sẽ rất mãn nguyện về cách hành xử của “nhân nghĩa” trong “Bình Ngô Đại Cáo”. Và thời nay, thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào với thực thể “pháp quyền có trái tim”.
Với gần 800 trang sách, tác giả Vũ Đình Hoè đã xây dựng được tượng đài uyên thâm về pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua bút pháp tài hoa của ông, người đọc bị lôi cuốn bởi văn phong viết về đề tài được coi là khó nhưng vẫn rất mềm mại, rất thơ. Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh là một trong những điều cao đẹp luôn mang tính hướng thiện, thanh khiết, trong sáng như ca dao:”Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”
Mời các bạn đón đọc.