Trẻ em có sự tự do chân thực. Các em vui tươi, thích nô đùa và sáng tạo một cách tự nhiên. Nhưng khi lớn lên, hầu hết các em đều hiến mình cho những vị thánh mang tên “năng suất” và “hành vi đúng mực” chỉ để rồi phải luyến tiếc những tháng ngày thơ ấu. Osho nói: “Trải nghiệm thời thơ ấu ám ảnh những người thông minh suốt cả cuộc đời. Họ muốn có nó một lần nữa – sự ngây thơ đó, điều kỳ diệu đó, vẻ đẹp đó”. Và dù cho thế hệ người lớn nào cũng thề thốt, với những ý định tốt đẹp nhất, rằng sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm của quá khứ, họ lại luôn áp đặt lên thế hệ kế cận những hạn chế mà chính mình đã thừa hưởng.
Cuốn sách “Ươm mầm” phát động một “phong trào giải phóng trẻ em” nhằm phá vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ và tạo cơ hội cho một phương thức liên kết loài người hoàn toàn mới. Nó sẽ hướng dẫn người lớn nhận thức tình trạng bị áp đặt của chính mình khi liên hệ với trẻ em. Và với nhận thức ấy, họ sẽ biết được khi nào cần nuôi nấng và bảo vệ, khi nào cần đứng tránh sang một bên để trẻ em có thể bộc lộ những tiềm năng lớn nhất và đạt được hạnh phúc cao nhất.
————————
Thế kỷ XX đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên nhiều phương diện. Đây cũng là thời kỳ mà các quan hệ quốc tế đã phát triển như một “thế giới phẳng” mà ở đó, không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù thuộc hệ thống kinh tế xã hội nào có thể tồn tại và phát triển khi tách rời hệ thống.
Cùng với sự phát triển trên phương diện vật chất, nhân loại cũng chứng kiến sự nở rộ của hệ các tư tưởng, giá trị mang tính hiện sinh, hướng đến phát triển con người mới, xã hội mới trên cơ sở khai thác những giá trị cốt lõi, bản chất tự thân bên trong mỗi con người. Đại diện cho dòng tư tưởng này có thể kế đến như: Osho, Gurdjieff, J. Krishnamurti… Trong đó, Osho – nhà triết học, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ là nhân vật có nhiều tư tưởng gây nên những tranh luận, ý kiến khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đến nhiều quốc gia, thuyết giảng nhiều vấn đề lớn. Trong các bài thuyết giảng, ông đặt ra trọng tâm vấn đề phát triển tâm thức của từng người ngay trong thực tế cuộc sống đời thường; hướng đến sống có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm mà không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi những nguyên tắc, định kiến xã hội… Ở Osho, chúng ta nhận thấy tư tưởng của ông có phần cực đoan khi quá đề cao cái tôi tự thân, mà phê phán các nguyên tắc, lễ giáo, phong tục – vốn vẫn là một trong những yếu tố góp phần ổn định trật tự xã hội từ bao đời nay. Tuy nhiên, hiện nay con người đang có tầm mức trí tuệ ngày càng hiện đại, lại quá tập trung vào những vấn đề cuộc sống vật chất mà gần như lãng quên việc phải tìm hiểu tâm thức bên trong, thì việc mỗi người quay lại “thức tỉnh thân tâm” để có cái nhìn toàn diện, thấu hiểu quy luật phát triển và hành động theo quy luật đó mà không bị chi phối bởi những ham muốn, những thúc giục của thói ích kỉ cá nhân là điều rất cần thiết. Và để đạt được điều đó, theo Osho không còn con đường nào hơn là mỗi người phải tự quan sát, tỉnh táo chứng kiến và suy ngẫm tất cả mọi việc từ nhiều phía để có cách ứng xử phù hợp.
Tuy nhiên, những bài thuyết giảng của Osho trong một thời gian dài đã hứng chịu nhiều chỉ trích, lên án, thậm chí bản thân ông bị ngăn cấm, trục xuất, bởi lẽ những tư tưởng của ông không phải ai cũng có thể hiểu và đồng tình, chấp nhận trong một sớm một chiều. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi vẫn còn đâu đó những đánh giá, chê bai, công kích Osho dưới những góc nhìn khác nhau. Song ở đây, chúng tôi mong rằng khi tiếp cận với tư tưởng của ông, mỗi chúng ta cần có một cái nhìn khách quan trên tinh thần học thuật vô tư, trong sáng, có sự phân tích, suy ngẫm, tự đúc rút và chắt lọc cho mình những ý nghĩa giá trị phù hợp với bản thân, văn hóa, xã hội nơi mình đang sống.
Trên tinh thần đó, Công ty Cổ phần sách Thái Hà phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội gửi đến độc giả một số ấn phẩm của Osho có tựa đề: Đạo, Thiền, Tantra, Đức Phật, Upanishad, Đàn ông, Phụ nữ, Ươm mầm… Các ấn phẩm là tập hợp những bài thuyết giảng, đối thoại của Osho được tập hợp, sắp xếp dịch theo các chủ đề khác nhau. Chúng tôi hy vọng, thông qua những ấn phẩm này, độc giả hiểu hơn về Osho, về tư tưởng của ông và tìm thấy cho mình những suy ngẫm và cách ứng xử phù hợp, để nâng cao giá trị bản thân và góp phần làm nên những điều tốt đẹp cho xã hội mình đang sống.
Mục lục:
Lời ngỏ……………………………………………………. 7
Tóm lược ……………………………………………….. 11
Những phẩm chất của trẻ em ……………………..13
Thích vui đùa ………………………………………………….14
Thông minh …………………………………………………….16
Ngây thơ………………………………………………………..20
Mang thai, sinh nở, thơ ấu ……………………….. 33
Áp đặt …………………………………………………… 63
Nuôi nấng một đứa trẻ mới ………………………. 85
Những chu kỳ bảy năm của cuộc đời …………….. 100
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ ………………… 127
Thanh thiếu niên ……………………………………167
Giáo dục ……………………………………………… 201
Học là gì? ……………………………………………………. 201
Giáo dục năm chiều ……………………………………… 222
Hòa giải với bố mẹ ………………………………….261
Thiền ………………………………………………….. 285
Các kiểu thiền ………………………………………. 299
Thiền lảm nhảm ………………………………………….. 299
Thiền dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống …….302
Thiền dành cho trẻ em trên 12 tuổi …………………303
Quay trở lại tử cung …………………………………….. 303
Cảm nhận sự tĩnh lặng của tử cung ……………….304
Đi từ tiêu cực đến tích cực …………………………….. 305
Thiền cười …………………………………………………… 307
Giải tỏa căng thẳng trên khuôn mặt ………………308
Chuyển từ khối óc sang trái tim …………………….309
Thư giãn ……………………………………………………… 310
Tìm lại thiên đường ………………………………..313
Trích đoạn sách:
NUÔI NẤNG MỘT ĐỨA TRẺ MỚI
Nếu bạn nhìn khuôn mặt của những em bé vừa chào đời, tràn đầy tươi mới, sự tươi mới đến từ chính khởi nguồn sự sống, bạn sẽ thấy sự hiện diện nhất định của một điều gì đó không thể gọi tên, không thể định nghĩa.
Đứa bé tràn đầy sức sống. Bạn không thể định nghĩa sức sống này nhưng nó ở đó, bạn có thể cảm thấy nó. Nó dồi dào đến nỗi dù mù lòa đến đâu, bạn cũng không thể không thấy nó được. Nó thật tươi mới. Bạn có thể ngửi thấy sự tươi mới quanh một đứa trẻ. Mùi hương ấy dần dần, từ từ biến mất. Đứa bé đã đến thế giới này với một mùi hương ngào ngạt, không thể đong đếm được, không thể định nghĩa được, không thể gọi tên được. Hãy nhìn vào đôi mắt trẻ thơ – không ai có thể thấy thứ gì sâu hơn thế. Đôi mắt trẻ thơ là một vực sâu thăm thẳm. Khi trẻ dần dần lớn lên, đôi mắt ấy sẽ bị các lớp màng che phủ, đó là tầng tầng lớp lớp áp đặt, sự sâu sắc ấy, sự sâu sắc đến vô cùng ấy hẳn đã biến mất từ lâu. Và đó là khuôn mặt nguyên bản của trẻ.
Đứa trẻ không có suy nghĩ. Trẻ có thể nghĩ về cái gì được đây? Việc suy nghĩ đòi hỏi phải có một quá khứ, việc suy nghĩ đòi hỏi phải có những vấn đề. Trẻ không có quá khứ, trẻ chỉ có tương lai. Trẻ chưa gặp phải vấn đề gì cả, trẻ đang không có vấn đề gì hết. Trẻ không thể suy nghĩ vào lúc này.
Trẻ có thể nghĩ về cái gì được chứ? Trẻ có nhận thức nhưng không có suy nghĩ. Đó là khuôn mặt nguyên bản của trẻ.
Đó cũng là khuôn mặt của bạn và mặc dù bạn đã quên mất nó, nó vẫn ở đó, bên trong bạn, chờ đợi đến một ngày nào đó bạn sẽ tái khám phá nó. Tôi nói là tái khám phá vì bạn từng khám phá nó rất nhiều lần trong những kiếp trước và hết lần này đến lần khác, bạn cứ quên mất nó.
Thậm chí trong kiếp này, có những khoảnh khắc mà bạn đã đến rất gần, sắp nhận ra được nó, cảm nhận được nó, trở thành nó. Nhưng thế giới này có quá nhiều điều tác động lên chúng ta. Lực kéo của nó thật đáng sợ và thế giới đang kéo bạn đi một nghìn lẻ một hướng khác nhau. Nó đang kéo bạn đi nhiều hướng đến nỗi bạn đang vỡ tan thành từng mảnh. Việc người ta xoay xở để giữ cho bản thân mình toàn vẹn đúng là một phép màu. Nếu không, bàn tay này sẽ đi về phía Bắc, bàn tay kia đi về phía Nam, cái đầu hẳn là hướng lên thiên đường, tất cả những mảnh cơ thể sẽ bay đi khắp chốn. Chắc chắn phải có phép màu thì bạn mới có thể tiếp tục giữ cho bản thân mình toàn vẹn. Có lẽ áp lực từ mọi phía là quá lớn nên bàn tay, bàn chân và đầu óc bạn không thể bay đi nổi. Bạn đang bị ép từ mọi phía.
Thậm chí, nếu có cơ hội gặp được khuôn mặt nguyên bản của mình, bạn sẽ không thể nhận ra nó, nó sẽ như một người xa lạ. Có lẽ bạn đã từng đi ngang qua nó một lần nào đó, hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng bạn thậm chí không cất được tiếng chào! Đó là một người lạ và có thể, nơi sâu thẳm trong lòng bạn luôn có một nỗi sợ hãi nhất định dành cho một người xa lạ.
Bạn đang hỏi làm thế nào chúng ta có thể giữ lại được khuôn mặt nguyên bản của con cái mình. Bạn không phải làm gì trực tiếp cả; bất cứ việc gì làm một cách trực tiếp cũng sẽ trở thành sự quấy rầy. Bạn phải học nghệ thuật không làm gì cả.
Đó là một nghệ thuật rất khó. Không phải là để bảo vệ hay giữ gìn khuôn mặt nguyên bản của trẻ mà bạn phải làm gì đó. Bất cứ việc gì bạn làm cũng sẽ gây xáo trộn khuôn mặt nguyên bản. Bạn phải học cách không làm gì cả; bạn phải học cách đứng sang một bên, không can thiệp vào trẻ. Bạn phải rất can đảm vì việc để trẻ một mình ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trong suốt hàng nghìn năm, người ta đã bảo chúng ta rằng nếu để trẻ em một mình, chúng sẽ trở thành người rừng. Hoàn toàn không phải vậy. Tôi đang ngồi trước mặt bạn – bạn có nghĩ tôi là người rừng không? Và trước giờ, tôi đã sống mà không bị bố mẹ can thiệp. Đúng, có rất nhiều rắc rối đến với bố mẹ tôi và cũng sẽ có nhiều rắc rối đến với bạn, nhưng nó xứng đáng. Khuôn mặt nguyên bản của đứa trẻ giá trị đến mức bất cứ rắc rối nào cũng là xứng đáng. Nó đáng giá đến mức vì nó, dù bạn có phải trả giá nào đi nữa thì vẫn rẻ; bạn đang chẳng mất gì mà vẫn có được nó. Và niềm vui vào cái ngày mà bạn thấy con vẫn còn khuôn mặt nguyên bản, vẫn còn vẻ đẹp mà con đã mang tới thế giới này, vẫn còn sự ngây thơ, vẫn còn sự trong trẻo, vẫn còn sự vui nhộn, hào hứng, vẫn sức sống tràn trề… Bạn còn hy vọng điều gì hơn thế nữa?
Bạn không thể cho con gì cả, bạn chỉ có thể lấy đi mà thôi. Nếu bạn thật sự muốn trao cho con một món quà, món quà duy nhất có thể trao chính là: Đừng can thiệp. Hãy chấp nhận rủi ro và để cho con đi tới mảnh đất chưa ai biết tới, chưa ai đặt chân tới.
Đó là một việc khó khăn. Một nỗi sợ hãi lớn lao bao trùm lên các bậc cha mẹ: Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra với trẻ? Từ nỗi sợ hãi ấy, họ bắt đầu nhào nặn một mô hình cuộc đời nhất định cho đứa trẻ. Từ nỗi sợ hãi ấy, họ bắt đầu hướng trẻ đến một con đường cụ thể, tới một mục tiêu cụ thể nhưng họ không biết rằng vì nỗi sợ hãi ấy, họ đang làm ảnh hưởng đến trẻ.
Sigmund Freud có một quan điểm rất sâu sắc về vấn đề này. Ông nói: “Nền văn hóa nào cũng tôn kính người cha. Không có nền văn hóa nào đang tồn tại, hoặc từng tồn tại, mà không ca ngợi, tuyên truyền ý tưởng phải kính trọng người cha. Sự tôn trọng dành cho người cha phát sinh vì khi ngược dòng thời gian về thời tiền sử, chắc hẳn người cha từng bị chính những đứa con của mình giết hại chỉ để thoát khỏi sự kìm kẹp.”
Một ý tưởng kỳ lạ nhưng rất quan trọng. Ông ta nói rằng sự tôn trọng được dành cho người cha là xuất phát từ cảm giác tội lỗi và mặc cảm tội lỗi ấy đã được truyền qua hàng nghìn năm. Ở nơi nào đó… đây không phải là một sự thật lịch sử mà là một bí ẩn rất ý nghĩa, những người trẻ hẳn đã phải giết cha mình rồi cảm thấy hối hận – đương nhiên rồi, vì đó là cha họ. Nhưng ông ấy đã khiến họ đi theo con đường sống mà họ không hạnh phúc. Họ giết cha nhưng rồi họ hối hận. Rồi họ bắt đầu thờ phụng linh hồn của các bậc tổ tiên, các bậc ông cha vì sợ hãi rằng những con ma của các bậc tiền bối ấy có thể sẽ trả thù. Và rồi dần dần, từ từ, việc thể hiện lòng tôn kính với các bậc lão thành trở thành một tục lệ. Nhưng tại sao?
Tôi muốn bạn hãy tôn trọng con trẻ. Trẻ em xứng đáng hưởng tất cả sự tôn trọng mà bạn có vì chúng thật tươi mới, thật ngây thơ, thật thánh thiện. Đã đến lúc thể hiện sự tôn trọng trẻ em thay vì buộc chúng phải tôn kính những người không xứng đáng chỉ vì họ lớn tuổi hơn. Tôi muốn đảo ngược mọi thứ lại: tôn trọng trẻ em vì chúng gần với nguồn cội; bạn thì đang ở rất xa. Chúng vẫn còn là nguyên bản còn bạn thì đã là một bản sao. Và bạn có hiểu việc bạn tôn trọng trẻ em ấy có tác dụng gì không? Nhờ tình yêu và lòng kính trọng, bạn có thể cứu chúng khỏi việc đi lầm đường lạc hướng, không phải vì sợ hãi mà vì bạn tôn trọng và yêu thương chúng.
Mời bạn đón đọc!