Thế hệ trẻ ở ta ngày nay vẫn còn được soi rọi bởi ánh hào quang của cuộc kháng chiến cứu nước chống thực dân Pháp 1946-1954. Cuốn tiểu thuyết Nước đỏ lại là một phản quang của cuộc chiến ấy, nhìn từ phía một người con gái ở bên kia chiến tuyến – nhân vật chính của câu chuyện. Tuy vậy, nhà báo Jean-rémi Barland vẫn nhận thấy: “sử dụng một lối kể chuyện từ phía “chúng ta”, Pascale Roze đã tố cáo đường lối chính trị của pháp ở thời kỳ ấy, qua giọng nói của các nhân vật chính.”
Tiểu thuyết của Pascale Roze dồn nén nhiều sự kiện, với một cốt truyện khá ly kỳ dựa trên lịch sử của một thời kỳ đặc biệt, đồng thời, nó cũng thể hiện nét đặc sắc từng in dấu ở một cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà trước đó, giải Goncourt 1996. Nước đỏ là một bản nghiên cứu một ca tâm lý đặc biệt, có thể nói là một trường hợp mang “hội chứng Việt Nam” trước cả các cựu chiến binh Mỹ của cuộc chiến sau này.
Cuốn sách có lúc như một chuỗi đọc thoại của người kể chuyện, đặc biệt tập trung vào thời thanh niên của nữ nhân vật chính, khi mới chân ướt chân ráo đặt chân lên mảnh đất miền Nam Việt Nam sau năm 1946. Ở đây, ta gặp lại những đại danh quen thuộc như Cảng Nhà Rồng, Bảy Núi, Đồng Tháp Mười… khoác ngoài bằng những tên gọi của thời thực dân. Nhưng điều quan trọng hơn là góc độ nhìn đã khiến cho ngôn ngữ, lối nói có một sắc thái độc đáo. Lặp lại những bài học “khai tâm” của thực dân cho đội quân viễn chinh Pháp thời ấy, dần dà, trong ngữ cảnh đối lập với thực tế, dẫu nữ nhân vật không hề có ý thức, lời lẽ của cô lại hàm ẩn một ý mỉa mai, giống như giọng văn nhại. Cuốn chuyện kể lại một quá trình biến chuyển của ý thức, có lúc đứt đoạn (thời trung niên), nhưng điều này càng khiến sự rọi sáng tập trung vào những ám ảnh của quá khứ và sự bừng tỉnh của lương tri, mà từ con mắt bên ngoài nhìn vào, người ta tưởng là một “ca” thác loạn của tâm thần.
Với sự tinh tế và nhạy cảm, Pascale Roze đã phác nên bức chân dung của Laurence Bertilleux, một thiếu nữ hai muơi lăm tuổi đến sống tại Đông Dương thời kỳ đấu chiến tranh. Với nuớc đỏ, tác giả hé mở một cuốn tiểu thuyết trải nghiệm đẹp và chậm rãi, chia sẻ những suy ngẫm về quá khứ và bổn phận của ký ức.
“… Tới vũng tào, cô lên một tàu chuyên chở quân để ngược dòng sông Sài Gòn. Họ đi vào các vùng đất, họ đã chạm tới đích. Phía trước con tàu, như một kẻ chinh phục, cô dõi nhìn cảnh vật, một cảnh vật tầm thường, rất tẻ nhạt, các vạt rừng ngập mặn toàn là những cây đước, rồi đến những cánh đồng bất tận nơi dân Anamít đang lao lực, dưới những chiếc nón nhọn, và những con trâu xám gầy guộc. Con sông không ngừng trải ra tới vô tận những khúc uốn lượn, các tháp chuông biến mất rồi xuất hiện trở lại. Cuối cùng đã cập bến Nhà Rồng. Một đội kèn nhà binh chào đón họ, làm rung động mọi trái tim. Những thứ xộc thẳng vào ô trước cả khi chạm đất liền, đó là cái mùi. Mùi của Sài Gòn, thứ hỗn hợp nằng nặng của bùn, đường, các thứ gia vị, nước mắm…”
– “Cuốn tiểu thuyết hay và trang trọng, phong phú và bi đát, dâng hiến cho những nạn nhân của những cuộc chiến vũ trang từng nhuốm đỏ máu một dòng sông trên thế giới” – Jean-Rémi Barland, Lire.
– “Dưới cái nhìn của Pascale Roze, quá khứ được giấu kín trong ký ức của chúng ta, đã tàn lụi giờ lại cháy lên. Tro tàn của các cuộc chiến vẫn cháy. Những từ ngữ đã khơi dậy chúng cũng chính là những từ ngữ xoa dịu chúng” – Michèle Gazier, Télérama
– “Pacale Roze đã viết nên một cuốn sách rất đẹp về sự trung thực. Bà đã làm được điều đó khi kể một câu chuyện diễn ra trước thời của bà, giống như đó là những câu chuyện của ngày hôm kia, đưa vào đó một trong những bí ẩn lạ lùng nhất và cảm động nhất của văn học” – Grancois Surean, Le Figaro.
Mời bạn đón đọc.