Một bộ biên niên sử đương đại về một ngôi làng nông thôn dân tộc Tạng,
từ thập niên 50 đến thập niên 90 thế kỷ trước tại Trung Quốc.
Gió cuốn và Lửa trời là hai câu chuyện tiêu biểu trong bộ Sử thi thôn Cơ của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng A Lai xoay quanh câu chuyện của những người dân sinh sống tại một ngôi làng nông thôn của dân tộc Tạng trong xã hội mới.
Những thay đổi mới trong tư duy, lối sống, và cả trong cung cách quản lý của xã hội mới đều gây nên nhiều xáo trộn bất ngờ trong cuộc sống bình dị, an lành của những con người này.
Cùng với sự tan rã của chế độ cũ, một thôn Cơ chất phác, truyền thống với rất nhiều giá trị quý giá cũng dần “bay theo gió”. Sự thay đổi của thời đại đã làm đảo lộn tín ngưỡng của bà con thôn Cơ về thiên nhiên và thần linh, cũng đập tan những truyền thống mà thôn Cơ gìn giữ từ bao đời nay.
Tác giả:
A Lai, người dân tộc Tạng, sinh tại huyện Barkam, Châu tự trị dân tộc Tạng-Khương Ngawa, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tốt nghiệp Học viện Sư phạm Barkam. Từng làm chủ biên, tổng biên tập Tạp chí Thế giới khoa học viễn tưởng, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1982 bắt đầu sáng tác thơ ca, sau chuyển sang sáng tác tiểu thuyết.
Tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ Dòng sông Sô Mô, tuyển tập tiểu thuyết Vết máu năm xưa, Thợ kim hoàn dưới ánh trăng; tuyển tập tản văn Bậc thềm, Vương quốc lý tưởng của cỏ cây; tiểu thuyết dài Bụi trần lắng đọng, Sử thi thôn Cơ, Vua Gersa; tiểu thuyết vừa Ba con trùng thảo, Vòng tròn nấm… Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Giải thưởng tiêu biểu:
Giải Văn học Mao Thuẫn lần thứ 5 (Tiểu thuyết Bụi trần lắng đọng, 2000).
Giải thưởng Nhà văn xuất sắc của năm-Giải Truyền thông văn học Hoa ngữ lần thứ 7 (Series tiểu thuyết 6 cuốn bộ Sử thi thôn Cơ, 2009).
Giải thưởng Tiểu thuyết Úc Đạt Phu lần thứ 4 (Tiểu thuyết Vòng tròn nấm, 2016).
Giải thưởng Văn học Bách Hoa lần thứ 17 (Tiểu thuyết Ba con trùng thảo và tản văn Cuộc hội ngộ cuối cùng giữa sĩ và thân, 2017)
Giải văn học Lỗ Tấn lần thứ 7 (Tiểu thuyết Vòng tròn nấm, 2018)…
Lời tác giả về cuốn sách:
“Tôi sinh ra ở một ngôi làng xa xôi, lớn lên ở vùng nông thôn với biết bao thay đổi. Cứ mỗi lần thay đổi là lại mang đến nỗi đau và cả niềm hy vọng.
Cho dù sau này may mắn được đi học và rời khỏi nông thôn, nhưng tôi chưa bao giờ thoát ly khỏi nông thôn. Bởi vì người thân trong gia đình vẫn ở đó, những gì họ phải trải qua vẫn luôn gắn chặt với tôi. Việc tôi có thể làm được chỉ là viết một bộ biên niên sử của ngôi làng như vậy thôi.
Vì thế, nhân vật chính của bộ tiểu thuyết là một ngôi làng.
Tôi đặt một cái tên khác cho ngôi làng này: Thôn Cơ. “Cơ” là từ đối âm trong tiếng Tạng. “Cơ” cũng không phải là một từ chuẩn trong tiếng Tạng, chỉ là một từ trong phương ngôn tiếng Gia Nhung mà thôi. Nghĩa là “hạt giống”, hay “gốc rễ”.
Thật vậy, nông thôn là gốc rễ của tôi. Nông thôn cũng là gốc rễ của rất nhiều người Trung Quốc. Nông thôn cũng là gốc rễ của cả Trung Quốc. Bởi vì đất đai và lương thực ở đó, nơi chôn rau cắt rốn của rất nhiều người cũng ở đó. Tuy hôm nay mọi người đua nhau đổ ra thành phố, nhưng đất đai và lương thực vẫn ở đó.”
Mời bạn đón đọc!