Nói Với Tuổi Hai Mươi:
Thắm thiết và sâu đậm, "Nói với tuổi 20" tựa như những lời tâm tình nhẹ nhàng gieo vào lòng độc giả. Chọn lối viết tự sự, Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến cho bạn đọc một cảm giác ấm áp, chân thành nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, sâu sắc.
Những lời chia sẻ của Thiền Sư thấm sâu vào lòng những người trẻ tuổi, khơi gợi những ước mơ hoài bão, khơi dậy sức sống dạt dào trong trái tim của họ, làm bừng cháy những yêu thương. "Nói với tuổi 20" tìm thấy điểm đồng điệu trong lời thơ của Tố Hữu: "20 tuổi hồn quay trong gió bão/ gân đang xanh và thớ thịt căng da", và sức trẻ đó phải được tỏa sáng trong tình yêu và trách nhiệm với đất nước, trong lý tưởng và khát vọng, trong tình yêu và cuộc sống của mình.
Đọc "Nói với tuổi 20" để thấy rằng cuộc đời vô cùng cao quý và tươi đẹp, và các bạn trẻ, hãy sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí, để sức trẻ căng tràn của các bạn sẽ hữu ích cho cuộc đời, cho thế gian và nhân loại.
"Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số năm của anh. Buổi họp mặt gồm có chừng ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là "Để lại cho em", những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những người trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu…"
Mời bạn đón đọc.