Một hôm, Eratosthenes bị cuốn hút bởi một câu chuyện mà ông đọc được. Đó là chuyện về một cái giếng lạ thường ở thị trấn Syene thuộc phía nam Ai Cập. Vào đúng thời điểm giữa trưa ngày hạ chí, một chùm sáng chiếu thẳng xuống giếng tới làn nước ở sâu bên dưới, mặt nước phản xạ lại một luồng ánh sáng lấp lánh như một tấm gương. Eratosthenes nhận thấy Mặt Trời phải ở chính xác ngay phía trên đỉnh đầu vào lúc này, như vậy các tia nắng mới chiếu hoàn toàn thẳng đứng xuống mặt đất và hầu như không tạo ra bóng.
Nhưng Mặt Trời lại không như vậy tại Alexandria ở phía bắc Ai Cập. Vào ngày hạ chí ở Alexandria, ánh mặt trời chiếu xuống trái đất theo một góc hơi nghiêng, tạo ra các bóng nhỏ. Eratosthenes tìm một cột trụ cao rồi đo chiều cao và chiều dài bóng của nó. Ông vẽ một tam giác, từ đó tính được góc mà ánh sáng chiếu xuống. Nó nghiêng so với chiều thẳng đứng một góc 7,2 độ …
Từ những phát hiện ấy, theo bạn, Eratosthenes làm thế nào để đo được thế giới? Và ông đã dùng những khám phá của mình để vẽ một bản đồ thế giới mới như thế nào? Những câu trả lời đang nằm trong cuốn sách "Những nhà ảo thuật toán học".
Vũ trụ tưởng chừng như vô cùng, vô hạn, nhưng qua thời gian, con người đã tìm ra cách để đo lường nó, đã tìm ra những quy luật giữa Đêm và Ngày, mối liên quan giữa Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác… Từ thế giới Cổ Đại đến Thời đại của Khám Phá và cách Đo lường Hiện Đại, các "nhà ảo thuật toán học" đã làm cho thế giới trở nên rõ ràng hơn trong mắt các bạn đọc.
Cuốn sách này sẽ đưa các bạn vượt thời gian quay trở về những ngày đầu của toán học và đo lường, giới thiệu với các bạn những nhà ảo thuật toán học – những người trong tiến trình lịch sử đã sử dụng ma thuật của các con số để tìm hiểu thế giới và đưa ra ánh sáng những bí mật của vũ trụ. Những câu chuyện sẽ đưa người đọc thẳng tới thời hiện đại và hé lộ những cách thức đầy sáng tạo mà ngày nay chúng ta dùng để đo mọi vật một cách tuyệt đối.
Mời bạn đón đọc.