Chết như thế nào ?
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà câu hỏi khiếp đảm này khiến cho người ta phải lẩn tránh. Những nền văn minh trước chúng ta nhìn thẳng vào những cái chết, nó vẽ ra cho cộng đồng và mỗi con người phải vượt qua. Nó giúp cho sự kết thúc số phận một con người trở nên phong phú và có ý nghĩa.
Có lẽ chưa bao giờ những mối liên hệ tới cái chết lại nghèo nàn như vào những thời điểm khô cứng về tinh thần này; ở đó, những con người vội vã tồn tại, dường như cố lẩn tránh điều bí ẩn đó. Họ không biết rằng vì thế, họ đã làm cạn kiệt niềm vui được sống từ bản chất nguồn gốc ấy.
Cuốn sách này là một bài học về cuộc sống. Ánh sáng của nó toả ra còn mãnh liệt hơn cả sự biện luận thông thái. Bởi vì chỉ một ý tưởng thôi được đưa ra đã là một bằng chứng sâu sắc về sự trải đời. Sức mạnh của nó toát ra từ những sự kiện được tái hiện hết sức giản dị trong cuốn sách. Tái hiện những điều trong thâm tâm người ta luôn né tránh : Vượt lên trên những sự việc và thời gian, cái tâm của nỗi lo sợ và niềm hy vọng; đó là nỗi đau của người khác, là cuộc đối thoại bất diệt về sự sống và cái chết.
Đúng là những cuộc đối thoại đã được tái hiện trong cuốn sách này. Những cuộc đối thoại mà Marie de Hennezel đã theo đuổi không ngừng với những người bệnh đang kề cận cái chết.
Toàn bộ nội dung trong Những ngày cuối êm ả đã toả ra một thứ ánh sáng vô cùng mãnh liệt. Ánh sáng của nghị lực phi thường gắn kết với cuộc đời còn lại của những người mắc bệnh hiểm nghèo. Ánh sáng của tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự nhiệt tình cao cả của các bác sỹ, hộ lý, bạn bè và gia đình dành cho người bệnh…