Sau rất nhiều cuốn tiểu thuyết và tiểu luận, lần đầu tiên một tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Pháp, gốc Czech ZMilan Kundera được xuất bản ở Việt Nam: "Những mối tình nực cười" gồm bảy câu chuyện tình phi lý, lãng mạn và kỳ lạ, như bản chất muôn đời của tình yêu…
Một nhà khoa học triển vọng mất người yêu, chỉ vì anh thà nói dối triền miên một cách “vô sỉ” để khỏi phải viết lời tựa cho một công trình vô vị (Sẽ không ai cười). Cô gái trong Chơi trò xin đi nhờ xe những tưởng sẽ chinh phục Chàng trai vĩnh viễn bằng ảo tưởng về sự đoan trang cô vốn nằm lòng, nhưng lại hoàn toàn thích hợp với vai cô gái đi nhờ xe lẳng lơ, và té ra sự thô bạo, trắng trợn lại là một bản ngã hiện thực khác của chính hai người, mà lúc kết chuyện, con người giáo điều trong cô rên rỉ “em là em” cầu mong được nương nhẹ, nâng niu như tình yêu lúc trước.
Bác sĩ Havel (Bác sĩ Havel hai mươi năm sau), từng bước trút bỏ vai trò “kẻ trụy lạc hoàn lương” trước người vợ trẻ xinh đẹp, nổi tiếng và sôi sục máu ghen, hồn nhiên trở lại làm kẻ phong tình tuyệt diệu trong đợt an dưỡng ngắn ngày.
Anh chàng Edouard trong Edouard và Chúa khổ sở vì thèm muốn cô bạn gái nuột nà xinh đẹp, cuối cùng lại được thỏa mãn với bà giáo độc thân cứng nhắc, chuyên rao giảng đạo lý. Đến nỗi khi nhân tình của anh tự nguyện “dâng hiến” chỉ vì hiểu lầm khá ngớ ngẩn cho rằng anh hành động “tử vì đạo”, thì Edouard tội nghiệp chẳng còn cảm hứng gì.
Có tầm vai trò đặc biệt và khác với sáu truyện còn lại là Tranh biện – truyện có độ dài lớn nhất, cũng là truyện duy nhất có kết cấu theo lối kịch 5 màn. Đó là một khảo sát đầy tính châm biếm về tình thế của Don Juan trong thế giới hiện đại, cái chết của một biểu tượng “cao quý”.
Trong thế giới hiện đại, Don Juan không còn đất sống, bị rút gọn thành một hình ảnh hài hước và mơ hồ đến thảm hại, từ chỗ là Nhà Chinh Phục trở thành Nhà Sưu Tập. Nhưng quan trọng hơn cả, "Tranh biện" trình bày một suy tư về thân phận con người, về những sự thật nhiều mặt của con người, trong đó nhìn từ khía cạnh nào những sự thật đó cũng đúng đắn, và cùng lúc cũng sai lầm, mất giá một cách trầm trọng.
Bật ra từ những tình huống đỉnh điểm bi – hài kịch, cái hài hước trong Những mối tình nực cười không đơn thuần là sự giễu nhại, nó xuất phát từ sự phủ định những giá trị nền tảng của cái vốn được xem là thật, là tốt, là đẹp, nay không còn phù hợp trước một đời sống mà mỗi con người phải tự vật lộn, đương đầu với hành vi, đạo đức của cá nhân và chỉ của cá nhân mà thôi, gần như không thể có một sự đồng thuận chung nào.
Song Minh
(Nguồn: Báo Lao động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn