Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối (Tái Bản)
Tác phẩm bao gồm những truyện ngắn hay nhất thời kỳ đầu của Ivan Bunin: Những quả táo Antonov, Quý ông từ San Francisco đến, cùng những truyện ông viết trong những năm cuối đời: Say nắng, Những lối đi dưới hàng cây tăm tối… Chúng có thể được coi là những câu chuyện say đắm về tình yêu, về cảnh trí không thể nào quên của nước Nga. "Vì ở đây", Bunin viết như vậy về chính mình "trong sự tĩnh mịch vô cùng của đồng quê… giữa ngũ cốc chất đầy ngưỡng cửa, giữa những đồng tuyết, tuổi thơ tôi, ngập tràn chất thơ buồn rầu, tiếc nuối, đã trôi qua ở đó". Xuyên suốt những truyện của ông là cảm giác về sự mong manh của tồn tại, là nhận thức thường trực về sự vô thường của những ước vọng và những kết quả của con người…
Bunin là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nước Nga nửa đầu thế kỷ 20, được sánh ngang với Tsrkhov và Tolstoy trong hàng ngũ các nhà văn hiện thực Nga. Tuy nhiên, dù ông là người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, và văn xuôi của ông thì quá thanh nhã, Bunin vẫn không được biết rộng rãi – điều hiện vẫn được coi là một nổi xấu hổ ở phương Tây.
***
Nhận định:
"Những truyện ngắn và truyện vừa – bộ phận cốt lõi trong di sản văn học của ông – mới đọc tưởng chừng như đơn giản về cốt truyện, nhưng thực ra lại cực kỳ sâu sắc, chúng bao la cả về thời gian lẫn không gian, bao gồm cả một thế giới đủ loại nhân vật, có khi chỉ trong một truyện vừa mà có tới hơn một trăm nhân vật, động chạm tới hàng loạt lĩnh vực trong đời sống của con người…, lại được thể hiện một cách rất hấp dẫn với đủ loại màu sắc, âm thanh, hương vị, vừa chân thực vừa cao độ, vừa mơ mộng, cảm động, lại vừa sâu lắng với tinh thần phân tích, suy tư, vừa bi thảm, quyết liệt, lại vừa lạc quan, yêu đời. Người ta cho rằng sau Tsekhov, Bunin đã đem lại sự đổi mới cho thể loại truyện ngắn Nga, mỗi truyện ngắn của ông vừa là một áng văn xuôi vừa là một bài thơ, ông đã viết chúng với trí tuệ và trái tim của một nhà tư tưởng, một nhà triết học và một nhà thơ, và do đó "đọc tác phẩm của Bunin không những phải đọc chăm chú mà còn phải có văn hóa rộng, phải tập trung cả trí tuệ và tâm hồn, phải có khả năng suy nghĩ về nước Nga, về quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, về mối liên quan của cuộc sống hàng ngày, của cuộc sống "riêng" với những sự kiện lịch sử-xã hội có quy mô."
– dịch giả Hà Ngọc
"Nếu như những sáng tác đầu tay của Bunin thường có dung lượng dài, nhắc nhiều đến khung cảnh thơ mộng của nông thôn Nga thì những truyện ngắn cuối đời dường như được thu ngắn, cô đọng lại trong những suy nghiệm về ký ức, về nhân sinh, về sự tàn nở mong manh của tình yêu và hạnh phúc. Đọc những truyện như Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, Say nắng, Ngày thứ hai chay tịnh, Ruxia, Chiếc đu… người ta nhận ra rằng không có cuộc đời hạnh phúc mà chỉ có khoảnh khắc hạnh phúc, bất ngờ gặp gỡ, rồi đột ngột chia tay, chỉ có ký ức cùng những ám ảnh của nó là điều sẽ theo ta đi suốt cuộc đời này. Văn Bunin giàu nhạc tính, giàu chất thơ – nhạc tính và chất thơ được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn con người Nga và cảnh vật Nga."
– Nhã Nam
"Bunin viết hay đến nỗi cả Turgheniev cũng không viết được như thế chứ đừng nói gì tôi"
– L.Tolstoy
"Về nông thôn Nga, chưa có ai viết sâu sắc được đến thế, có tính chất lịch sử đến thế… Bunin là bậc thầy hàng đầu trong văn học Nga hiện đại."
– M.Gorki
"Bunin… là sự đơm hoa cuối cùng trong truyền thống vĩ đại của Turgheniev và Tolstoy"
– London Magazine
"Nỗi u sầu bị kìm nén kín đáo, những hồi ức trở đi trở lại, những hình ảnh chẳng thể mờ phai, đặc biệt là những huy hoàng cũng như khổ sở của sự mê đắm nhục dục… Bunin là Nabokov cộng với một tấm lòng."
– New Statesman
"Tập truyện có được chiều sâu xúc cảm của Tsekhov, sự sắc sảo đầy sáng tạo của Raymond Carver hay John Cheer – điều khiến chúng trở thành những truyện tiên phong của thời đại mình: Bunin luôn luôn xứng đáng được khám phá lại… như Say nắng chẳng hạn, truyện đã giũ bỏ sự phòng vệ của các nhân vật một cách vừa tao nhã vừa chính xác: chàng trung úy trải qua một cuộc tình ngắn ngủi với người thiếu phụ mà chàng gặp trên tàu. Đoạn cuối cùng của cuộc hẹn hò, nàng gọi tên si mê của họ là cơn say nắng, rồi ra đi… bỏ lại chàng với trái tim tan nát và tâm hồn trống rỗng… Cốt truyện của Bunin nhiều khi không đặc sắc lắm, nhưng sức mạnh và sinh khí của chúng không bao giờ làm ta ngạc nhiên…"
– Publisher Weekly
"Một cột mốc ghi dấu thành công của những nhà văn Nga vĩ đại trong thế kỷ 19 và 20."
– Kirkus Reviews
"Tập truyện này đã khiến cho danh tiếng của Bunin vọng mãi. Vốn nghiên cứu mĩ thuật trước khi viết văn, Bunin luôn chứng tỏ một nhãn quan đầy chất hội họa, kỹ đến từng chi tiết. Ông là bậc thầy trong việc nắm bắt khoảng khắc."
– Library Journal
"Với vẻ đẹp tuôn trào và sự chói ngời về tâm lý… Bunin viết trong sự mãnh liệt thấu suốt."
– Booklist
Mời bạn đón đọc.