Cuốn sách bắt đầu một bài thơ của Đỗ Nhật Nam, bao nhiêu ấy chắc cũng đủ để các ông bố, bà mẹ ngoài kia hiểu được nội dung sách viết về cái gì và viết như thế nào.
Mẹ Điệp và bố Thảo rất khéo léo khi phân ra nhiệm vụ để nuôi dạy Nam. Bố Thảo có kể lại: “Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã “huấn thị”: Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm… là thuộc về anh đấy nhé.”
Và từ khi cu cậu sinh ra cũng là lúc bắt đầu chiến dịch “dọn dẹp” lại bản thân. “Dọn dẹp” theo của mẹ Điệp nghĩa là, dọn dẹp để bản thân là tự tĩnh tâm, tự vui với những gì hai mẹ con làm được, dù chỉ là một xíu xiu.“Dọn dẹp” bản thân nghĩa là học phương pháp nào đó chỉ theo TINH THẦN của phương pháp ấy. Vì thực ra mình cũng đâu có đủ điều kiện và thời gian để áp dụng triệt để.“Dọn dẹp” bản thân nghĩa là thấy mẹ “mạnh” nhất, “giỏi” nhất ở điểm nào thì cứ dùng những điều đó để truyền dạy cho con. Không nhất thiết phải máy móc làm theo những điều mà bản thân còn thấy lơ mơ.
Đôi lúc bố Thảo, mẹ Điệp nghêu ngao hát cho con nghe và mình tự sáng tác những câu chuyện nho nhỏ, xinh xinh. Hay lúc ở nhà, thì hay “chơi trò”: Mẹ nhận xét những bài Nam tự làm. “Công thức” cho những lời nhận xét của mình là: Nhận xét về quá trình làm bài của con + Nhận xét về cách trình bày + Nhận xét về nội dung + Những điểm tiến bộ của con so với bài trước + Cảm nghĩ của mẹ.
“Gia vị” cho những lời nhận xét có thể là: Một chút bông đùa + một chút cằn nhằn + một chút có vẻ “ghen tị” vì con làm được mà mẹ thì không + rất nhiều tin tưởng, hy vọng.”……
Cứ thế, “buông bỏ” bớt những điều lo lắng, băn khoăn và làm những gì mình thấy thoải mái, tự nhiên. Yếu tố vẫn quan trọng hơn hết mà mẹ Điệp muốn truyền tải khi nuôi dạy con rằng luôn kiên nhẫn “từng bước nhỏ một”, thực hiện theo đúng thời gian biểu, giúp con tìm thấy sự hứng thú trong mọi công việc “có chủ đích”.
Tuy nhiên, cũng không phải toàn là màu hồng, phải “xác định tinh thần” là để con ở nhà, nhiều khi bước chân vào nhà mà ngỡ như bước vào “cái chợ”. Mọi thứ ngổn ngang, nước nôi, màu mè văng tung tóe. Nhưng không sao, hai mẹ con vừa dọn, vừa “nghiệm thu” những thành quả con làm được trong ngày cũng thú vị lắm. Con sẽ thật tự hào vì mình đã “lớn khôn” sau một ngày tự học tự chơi. Và mẹ cũng thấy mình thật thoải mái.
Bạn cứ ngẫm nghĩ, bạn sẽ thấy rất nhiều điều hay. Không cần so sánh với ai hết. Yêu con vì những điều không hoàn hảo. Như cách mình yêu nhà mình, bạn yêu nhà bạn, yêu từng ngày. Yêu trong sự bình an, trong trẻo.
Đọc cuốn sách cũng không phải bật cười với những chia sẻ vui của bố Thảo nhưng những câu chuyện ấy đầy sự ấm áp và đầy triết lý của người bố trong gia đình, “Trong nhà mình, mình thích hai thứ “cùng nhau”. Ấy là “lớn lên cùng nhau” với con và “già đi cùng nhau” với vợ. Mình tin rằng, chỉ khi “cùng nhau” như thế người ta mới giác ngộ về những gì cần buông bỏ để thực sự “vì nhau”, thực sự “thương nhau”. Thương cao và sâu hơn yêu. Thương là lắng nghe, là chia sẻ, là chịu đựng, là đồng hành. Và mình muốn làm điều đó với con. – Khoa học cũng kết luận rằng, đứa bé thường cảm nhận âm thanh của cha tốt hơn âm thanh mẹ. Vậy thì hà cớ gì người cha không tận dụng ưu thế đó. Không ru được thì hát, thì ngâm thơ, thì kể chuyện… có sao đâu.”
Đối với bố Thảo “học” không chỉ là ngồi vào bàn, “học” là sự dịch chuyển, trải nghiệm. Trải nghiệm để biết cuộc đời nhiều mưa nắng, lắm tai ương, đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thi vị. Trải nghiệm để biết cảm thông sẻ chia, biết thấm thía vẻ đẹp trong những điều tưởng như rất đỗi bình dị: Tìm về núi cũ xem mai nở/ Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh. Và khi ấy, con được lớn lên, ít nhất là trong tâm hồn.
Khi có con, được nghe con nói, được nghe con kể, được nghe con giãi bày về những tưởng tượng, những ước mơ của nó, mình như được sống lại chính mình của mấy chục năm về trước. Cảm xúc ấy thật hồn nhiên, tươi mới. Nó khiến cho mỗi người làm cha làm mẹ thấy cuộc sống quanh mình thật nhiều niềm vui, thật thanh an, nhẹ nhõm.” Và từ đó những câu chuyện tâm sự của hai người đàn ông được bắt đầu. Những câu chuyện ấy, mang những bài học mà nó đi theo Nam suốt cả cuộc đời.
Từng mẫu chuyện nhỏ từ trong quá khứ đến hiện tại. Từng lời tâm sự kể lại những cảm xúc khi cu cậu Nam còn rất bé,…. Những dòng cảm xúc ấy thể hiện hết qua các câu chữ. Nó như những con chữ biết hát, lúc thì khóc lóc, lúc thì vui mừng, lúc thì hồi hộp, lúc thì lo lắng, lúc thì giận dữ, lúc thì hối hận,…. Cái cảm xúc cứ thay đổi liên tục. Nhưng có một thứ mà xuyên suốt không vắng mặt đó là tình yêu, tình yêu con, tình yêu vợ, tình yêu gia đình.
Mời bạn đón đọc.