Tại sao tên sách lại là NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ MẮC KẸT?
Bạn có biết, trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ không bao giờ được giải phóng? Đó là một người trưởng thành luôn thấy mình thiệt thòi, cô đơn bởi tuổi thơ không trọn vẹn tình yêu thương của cả cha và mẹ, không có bạn bè chơi cùng. Đó là một người lớn không tự tin, luôn cô đơn vì từ bé đến lớn luôn bị mẹ so sánh và đối xử phân biệt với chị/em của mình. Đó là những nhân cách khác trong con người chúng ta, một góc tối trong tâm hồn được hình thành bởi những ẩn ức tuổi thơ, ám ảnh cuộc đời mà chính ta không vượt qua được. Đó cũng chính là một trong những tâm lý tội phạm dẫn đến các hành vi phạm tội.
Nổi tiếng là nữ hoàng của dòng văn học khai thác góc khuất của tâm lý con người, nữ nhà văn Kanae Minato đã rất thành công khi miêu tả, khắc hoạ diễn biến tâm lý nhân vật trong cuốn sách này. Độc giả dễ dàng bị cuốn đi theo cảm xúc của nhân vật, cùng rơi vào những góc tối của tâm hồn, cùng khám phá và nhận ra những góc tối đó, cùng trải qua hoặc sẽ cố vượt thoát hoặc sẽ bị chìm vào.
Đậm chất tâm lý tội phạm, từ việc khai thác ẩn ức tuổi thơ, chứng ám thị đến các triệu chứng hoang tưởng của con người, NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ MẮC KẸT phản ánh góc khuất tâm hồn những con người cô đơn ngay trong gia đình mình, giữa xã hội này. Ngoài ra, còn là một lời khẳng định: Tuổi thơ của con người vô cùng quan trọng, đó là giai đoạn có khả năng ghi nhớ tốt nhất, tiếp nhận nhanh và ngấm lâu nhất để đi đến những ký ức bền vững mà sẽ trở thành tiềm thức, hình thành nhân cách con người. Rằng môi trường giáo dục con người quan trọng nhất là gia đình. Từ đó dẫn đến các hành vi trong đời sống, nhân cách và cả hình thành con người trưởng thành về sau sẽ như thế nào.
Mời bạn đón đọc.