Trong cuộc sống hối hả này, không dễ để có thể buông chiếc smartphone đâu đó, cầm lên một cuốn sách, lắng đọng lòng mình rồi đọc thật chậm, thật chú tâm, cùng nhau trải lòng ra như kiểu những người bạn tâm tình. Làm được điều khó ấy tức là chúng ta đã có cơ hội hiểu nhau rồi.
Nếu mỗi ngày chúng ta có mặt cho nhau trong tinh thần đó, thì những hạt giống hiểu và thương sẽ được nảy nở rất nhiều trong lòng mình ngay giây phút thực tại, và ta sẽ cảm nhận được rất nhiều chất liệu bình an trong tâm hồn.
Thong dong, thảnh thơi, nhẹ nhàng, tĩnh lặng,… là những điều con người hiện đại thường thiếu, chứ không phải vấn đề tiện nghi vật chất. Vì vậy, tìm về với những giá trị căn bản, tự thân chế tác, là cách sống giúp mình bình ổn.
Tôi nghĩ, yêu thương chính là chiếc chìa khóa để mở cửa quay về. Đầu tiên là thương mình, là nương tựa tự thân, rồi đến thương người. Thương ai cũng được, và thương trong mối quan hệ nào cũng thế, ta đều cần có sự lắng nghe, thực tập làm mới mỗi ngày, để có thể hiểu những đổi thay trong ta và trong người, từ đó có cách thương cho sâu sắc.
Tình thương trong tinh thần như vậy, sẽ giúp ta và đối tượng ta thương yêu cảm nhận từng phút giây kết nối yêu thương đều mang màu hạnh phúc, an lành, như đang ngồi giữa mùa xuân ấm áp vậy.
Tựa sách Như gió an lành cũng chính là lời chia sẻ chân thành của tác giả Lưu Đình Long: chỉ cần học cách thương yêu, thương yêu cho sâu sắc, thì tự nhiên mình sẽ biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận chứ không cưỡng cầu, trói buộc,… Tự do, an lành như là gió!
Mời bạn đón đọc.