Nhật Ký Phi Thường:
– Tiểu thuyết tâm lý giới tính đầu tiên của sinh viên đại học Trung Quốc đương đại.
– Cuốn sách cần đọc của thanh niên đương đại.
– Một trong mười chủ đề nóng của các trường đại học Trung Quốc năm 2002.
– Một trong các tác phẩm bán chạy được sinh viên yêu thích nhất năm 2002.
– Một trong các gương mặt sách quen thuộc nhất của người Trung Quốc năm 2002.
– “Nếu các tác phẩm như thế này ra đời sớm hơn, cùng với sự đánh giá và hướng dẫn của xã hội, những kẻ bi quan, kẻ tự ti, kẻ tự tử, kẻ thủ dâm sẽ giảm đi rất nhiều, trong đó bao gồm cả bản thân tôi, phương pháp giáo dục mở đã phát huy vai trò quan trọng như thế đối với sự hình thành của nhân cách lành mạnh và sự vun đắp thế giới tinh thần cao đẹp. Xét về ý nghĩa này, có lẽ Nhật Ký phi thường có thể giúp những con người tự ti lạc quan, yêu đời hơn rất nhiều” (Trích trong bài viết Phân tích tiểu thuyết tâm lí giới tính đầu tiên của sinh viên Trung Quốc đương đại – Nhật ký phi thường trên báo Thanh niên Bắc Kinh ra ngày 24 tháng 6 năm 2002).
– “Nhật ký phi thường được giới xuất bản gọi là “tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của sinh viên Trung Quốc”, Bộ giáo dục Trung Quốc gọi nó là “Nỗi đau của chàng Werthwer mới”. Tác giả mượn lời của tiến sĩ Tâm lý học Dư Vĩ mới du học từ Mỹ về, kêu gọi phải nhanh chóng tiến hành giáo dục giới tính cho sinh viên. Sau đó tôi mới đọc cuốn sách này và cảm thấy rất cảm động về sự can đảm và tinh thần trách nhiệm của tác giả. Vấn đề giáo dục giới tính cho sinh viên đại học đã được kêu gọi từ những năm 1980, hiện nay vấn đề này đã được coi trọng hơn, một số trường đại học đã có môn học giáo dục giới tính cho sinh viên. Trong này có công lao của Nhật ký phi thường” (Lời bình của giáo sư Lưu Đạt Lâm – nhà xã hội học, nhà tình dục học nổi tiếng của Trung Quốc).
“Tiếu Nhân kể cho Dư Vĩ nghe một chuyện kì lạ. Ký túc xá nữ của cô gần đây liên tục xảy ra hiện tượng trộm cắp; quần lót, áo con của nữ nghiên cứu sinh vừa phơi ra ngoài là bị mất ngay. Cô cũng bị mất một chiếc áo con.
“Thật ghê tởm! Lấy gì không lấy, lại đi lấy ba cái thứ đó của người ta!” Tiểu Nhân lắc đầu, cảm thấy không sao hiểu nổi.
“Anh không nghĩ như thế. Hồi anh còn ở nước ngoài…..”
“Anh có thể không nói câu “Hồi anh còn ở nước ngoài” được không, nghe cứ thế nào ấy!” Tiểu Nhân càu nhàu. Đây là ngày thứ bảy sau khi họ quyết định chính thức yêu nhau. Quen nhau qua mạng được một tuần thì họ gặp nhau. Cả hai đều rất hài lòng. Điều duy nhất khiến Tiếu Nhân không thích là Dư Vĩ, cứ mở miệng ra lại nói câu “anh ở nước ngoài”. Lúc đầu, cô cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện, nhưng sau bạn bè cùng phòng nói Dư Vĩ giống nhân vật trong tiểu thuyết Vi Thành, cô lại thấy Dư Vĩ hơi buồn cười. Dư Vĩ cũng không giận, anh nói tiếp:
“Ở nước ngoài, hiện tương này rất hay xảy ra, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ và một số quốc gia khác. Ý của anh không chỉ nói số vụ xảy ra nhiều hơn ta, mà còn muốn nói rằng họ coi trọng nghiên cứu và trị liệu vấn đề này hơn chúng ta. Anh đã từng tiếp xúc lâm sàng với rất nhiều đối tượng. Lúc đầu, anh cũng cảm thấy hành vi của những người này thật ghê tởm; song sau này anh không nghĩ như thế nữa. Chẳng qua họ bị mắc các chứng bệnh về tâm sinh lý, do không thể làm chủ được mình nên hành động như vậy.”
“Em không tin là họ không làm chủ được hành vi của mình. Em thấy đó là họ thiếu đạo đức, không biết thế nào là xấu hổ, hành vi của họ đủ để kết tội rồi đấy, cần phải trừng trị trước pháp luật.”
“Thế thì thật quá đáng. Em tưởng những người này không đau khổ hay sao? Em tưởng họ muốn như thế sao? Họ cũng biết làm vậy là không được, nhưng họ không thể làm chủ được mình. Hơn nữa, tại sao họ lại ra nông nỗi đó? Một trong những nguyên nhân là do sự trói buộc của đạo đức khiến họ mắc các chứng bệnh tâm lý, chẳng hạn chứng thị dâm – thích nhìn trộm ngực, cơ quan sinh dục của người khác giới, chứng phơi bày cơ quan sinh dục – em chưa bao giờ nghe thấy chứng phơi bày cơ quan sinh dục đúng không, tức là chuyện để lộ cái đó ra trước mặt bạn khác giới.”
Tiểu Nhân cười, mặc dù không trả lời Dư Vĩ, nhưng cô lại nhớ đến thời còn học cấp hai, hằng ngày phải đi xe bus. Trong lớp có mấy cậu bạn nghịch ngợm, cứ giờ giải lao lại tụ tập một chỗ, nói chuyện bậy bạ. Thực ra, có lúc họ cố ý nói cho bạn gái như Tiểu Nhân nghe. Bọn họ nói hay mấy gã đàn ông trên xe bus lôi cái đó ra ngoài và quệt lên người phụ nữ. Thật ghê gớm! Đám con gái hiếu kỳ, họ vừa không dám nhìn, vừa muốn xem thực hư ra sao. Cuối cùng cũng không nhìn thấy. Thời học đại học, trong khu ký túc xá nữ có một tầng dành cho nam sinh. Cầu thang nằm ngay bên cạnh nhà vệ sinh, có rất nhiều sinh viên nam, tối mùa hè thường cởi trần đi đi lại lại, thấy con gái đến là lại giở trò đó. Có mấy cô sinh viên cũng thích nhìn. Phòng Tiểu Nhân có một cô bạn, cứ tối đến lại kể chuyện về con trai. Thực lòng mà nói, mặc dù Tiểu Nhân cảm thấy ghê tởm, nhưng được nghe, kể ra cũng thích………”
Mời bạn đón đọc.
(VTV ngày 14/12/2007)
Nhật ký phi thường
Như nhan đề, trục chính của Nhật ký phi thường xoay quanh câu chuyện về một cuốn nhật ký, nó là những tự sự chân thực của chàng trai Lâm Phong khi trực diện với thế giới của chính anh, đối diện với rất nhiều những suy nghĩ tăm tối, những ám ảnh tội lỗi, những biến thái trong đời sống tâm sinh lí tuổi thanh niên. Nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra, nếu những tự truyện đó mãi mãi nằm trong im lặng của bí mật cá nhân…
Rắc rối bắt đầu khi Lâm Phong gửi cuốn nhật ký cho người thầy mà anh tin tưởng – Dư Vĩ. Dư Vĩ lại đồng ý cho bạn gái và bố của bạn gái anh đọc. Từ đây, cuộc đời và những bí mật riêng tư của Lâm Phong bị phơi bày ra ánh sáng. Mọi người phát hiện ra Lâm Phong chính là kẻ làm những việc bất bình thường, vốn là một trọng tâm bàn tán của trường Đại học Phương Bắc bấy lâu nay, như chuyên xin tất phụ nữ, lấy trộm đồ mặc trong của họ… Những mặc cảm phạm tội, những ám ảnh tình dục không được giải tỏa của một sinh viên đại học và thế giới học đường được ghi chép lai một cách chân thực, không che đậy…trong nhật ký đã gây nên biết bao sóng gió cho chủ nhân nó.
Nhật ký phi thường được đánh giá là cuốn tiểu thuyết tâm lí giới tính đầu tiên của Trung Quốc. Nó khiến con người phải thức nhận, phải đối diện với biến thái tâm sinh lí thực của con người như một hiện tượng tự nhiên, chứ không phải kì thị và tránh né, hay ghê tởm nó như một cái gì xa lạ, đáng sợ. Chỉ có trực diện với thế giới tâm lí phức tạp, con người mới có thể vượt qua những ẩn ức, những cám dỗ, để hình thành nhân cách lành mạnh.
Điểm nổi bật ở Nhật ký phi thường là kết cấu truyện lồng truyện của nó. Khác với một số tác phẩm cũng chọn dạng thức kết cấu này, nhưng có sự gián cách rất nhiều giữa hai thế giới được kể, Nhật ký phi thường lại tạo sự liền mạch, và mối liên hệ chặt chẽ của thế giới nhật ký và thế giới xung quanh người đọc nhật ký. Những điều sâu kín được Lâm Phong kể lại trên trang viết, giải thích sáng rõ cho những hiện tượng xảy ra trong trường đại học của anh. Đối diện với mọi người, Lâm Phong luôn tự ti về bản thân mình, luôn tìm cách che giấu cái tôi cá nhân. Chỉ trong không gian nhật ký, chàng sinh viên trẻ cô độc này mới đủ dũng cảm để đối diện với những sự thực đáng xấu hổ về bản thân, tự phán xét và tự cứu chính mình. Nhân vật trên hành trình kiếm tìm ý nghĩa tồn tại của mình trên thế gian, có thể bị gục ngã vì đau khổ và mệt mỏi, nhưng khát vọng sống lành mạnh, sống có ý nghĩa thì vẫn tiếp tục, cả khi câu chuyện khép lại. Vì vậy, cuộc đấu tranh âm thầm và khốc liệt để hoàn thiện mình của nhân vật thực sự có sức lôi cuốn và rung động sâu sắc trái tim người đọc.
Nhật ký phi thường đã chạm đến những ranh giới mỏng manh giữa tiểu thuyết và đời thường, giữa khát vọng cá nhân với những định kiến, những chuẩn mực thông thường của xã hội. Nó đặt vấn đề về vai trò và trách nhiệm của người cần bút, nhắc nhở người đọc về cách ứng xử thích hợp, có văn hóa với thế giới hư cấu, thế giới nghệ thuật.
Nhắc đến Nhật ký phi thường, Từ Triệu Thọ đã từng tâm sự, với cuốn tiểu thuyết này, anh thực sự bước vào con đường không thể nào quay lại, con đường văn chương. Ngay từ tác phẩm đầu tiên, đã nhận được rất nhiều quan tâm từ độc giả, Nhật ký phi thường là một mốc thật đáng nhớ trong cuộc đời văn nghiệp của tác giả.
Xuất hiện năm 2002, do Nhà xuất bản Văn nghệ Đôn Hoàng ấn hành, Nhật ký phi thường một thời từng là đối tượng công kích kịch liệt của giới phê bình văn nghệ Trung Quốc, đồng thời dẫn đến một cuộc thảo luận rộng rãi trong giới giáo dục về vấn đề giới tính của thanh thiếu niên, được Thời báo Khoa học bình họn là một trong mười chủ đề nóng nhất trong các trường học Trung Quốc, được báo Giáo dục Trung Quốc gọi là: “Nỗi phiền não của thanh thiếu niên thời đại mới”, và bị in lậu nhiều vô số kể.
Đôi nét về tác giả
Sinh cuối những năm 60, Từ Triệu Thọ thuộc một trong những người theo chủ nghĩa lý tưởng. Vào đại học, chàng sinh viên họ Từ bắt đầu thấm nhiễm tinh thần ưu tư cuối thế kỷ. Những năm 90 làm vận động văn học và vận động tư tưởng ở Tây Bắc, bị gọi là tên điên, kẻ khùng, kẻ khoác lác. Giữa và cuối những năm 90, ở ẩn, ít qua lại với người khác. Nổi tiếng trên mạng bắt đầu từ tác phẩm Nhật ký phi thường. Từ đó, liên tục dấn thân vào trên con đường văn chương, với một loạt các tác phẩm, thu hút được rất nhiều sự chú ý của người Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ thanh niên đương đại. Độc giả Việt Nam đã biết đến một chân dung thế hệ 8x mới qua Sinh năm 1980 của Từ Triệu Thọ với những hình ảnh tiêu biểu mà ở đó, Hồ Tử Kiệt được coi là một “Giả Bảo Ngọc đương thời”.
Tác phẩm của Từ Triệu Thọ là tấm gương phản ánh chân thực những trăn trở của thế hệ trẻ mới bước vào cuộc sống. Bên cạnh nỗ lực thể hiện đời sống đầy những lo toan bộn bề công việc và con đường phía trước của người cùng thế hệ, trang viết của anh còn là thao thức không ngừng về tình yêu, lẽ sống, về những lí do khiến con người tha thiết tồn tại trên cõi đời.
Các tác phẩm chủ yếu của Từ Triệu Thọ:
1. 2002, xuất bản Nhật Ký Phi Thường
2. 2003, cùng với nhà xã hội học nổi tiếng giáo sư Lưu Đạt Lâm phân tích về vấn đề văn hóa giới tính, xuất bản tác phẩm “Đối thoại phi thường” (Nhà Xuất Bản Thanh Niên Trung Quốc) – là cuốn sách bán chạy trong giới học thuật.
3. 2004, xuất bản “Sinh năm 1980” (Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Xuân Phong), được gọi là “Tự truyện của Giả Bảo Ngọc hiện đại” , “Cuốn tiểu thuyết đã miêu tả chân thực và sâu sắc đời sống tinh thần của thế hệ sinh sau những năm 80” … theo Báo Thanh Niên Trung Quốc và đài truyền hình trung ương TQ, cuốn sách này đã gây nên một cơn sốt thảo luận về vấn đề cuộc sống của thế hệ sinh ra vào những năm 80.
4. 2004, xuất bản Tình Yêu Phi Thường
5. Xuất bản tập thơ dài “Bọt sóng của biển cả già nua”
6. Tập thơ Bài Ca Bông Lúa
Tiểu thuyết dài Cuộc Sống Vĩ Đại, Sống Chết Có Nhau …
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn