Nhật Ký Nancy (Câu Chuyện Có Thật Của Một Thiếu Nữ 14 Tuổi Nhiễm HIV ):
Em tưởng đã tìm thấy tình yêu…
Nhưng không ngờ… lại gặp cái chết vì căn bệnh thế kỷ…
Thân tặng tất cả các bạn trẻ nghĩ rằng bệnh AIDS không bao giờ xảy đến với mình
(Lời đề tặng của Nancy).
… Chúng tôi cố gắng giữ mãi trong tâm trí mình hình ảnh Nancy thân yêu, với ánh mắt tươi cười rạng rỡ y như cháu đã sống một đời vui tươi, sôi nổi, chưa hề biết đến thất bại và chùn bước, trước khi cháu bị nhiễm HIV – AIDS.
Tuy nhiên, chúng tôi hiểu đó là điều không tưởng. Vì vậy, chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc những tâm tình của Nancy… với hy vọng những kinh nghiệp của cháu sẽ giáo dục gợi mở nhiều điều ở ngưòi lớn, cũng như có thể giúp bảo vệ an toàn cho một số người trẻ tuổi. Đó cũng là mong ước chân thành và sâu sắc nhất cảu cháu.
Nancy là mộtc ô bé 14 tuổi ngây thơ trong trắng khi lần đầu tiên trong đời em biết đến những cảm xúc yêu đương. Hệt như trong truyện cổ tích, Collin, một chàng trai không quen biết đã đột nhiên xuất hiện thật đúng lúc và em thoát cảnh xô xát hỗn loạn do một đám vô lại nào đó gây ra trong nhà hát, nơi em và các bạn lần đầu tiên được gia đình cho phép đi xem nhạc. Đôi lần hò hẹn tiếp theo nhanh chóng gắn kết em với chàng hoàng tử của lòng mình… Để rồi, chỉ 10 ngày sau đó, trong một buổi tối mời Collin đến chơi nhà nhân lúc mẹ đi vắng, Nancy bị hắn ta hãm hiếp. Xong việc, tên thủ ác lạnh lành bỏ đi, và từ đó biệt tăm.
Trinh tiết bị cưỡng đoạt, lại bị ruồng bỏ một cách bất ngờ, Nancy đã trải qua biết bao khủng hoảng. Tai nạn ngỡ chỉ dừng ở đó. Những tưởng em sẽ được hồi phục sau những chấn thương tinh thần, nhanh chóng xoá đi vết nhơ ấy khỏi ký ức của mình. Nhưng không, số phận còn giáng cho em một đòn trí mạng: sức khoẻ em ngày càng sút giảm. và chỉ trong thời gian ngắn, em được phát hiện nhiễm HIV. Từ đó, trong cuộc sống em đã nằm bên bờ vực thẳm, tối đen và vô vọng.
Nhật ký Nancy là tác phẩm mà các bậc phụ huynh và tuổi mới lớn cần đọc.
Chỉ khi nào có liên quan mật thiết với một người nhiễm HIV- AIDS như Nancy, người ta mới có thể am hiểu phần nào về tính chất lan truyền mạnh mẽ như của bệnh AIDS. (Milton Norbaum, MD – Chuyên gia về AIDS)
Nhật ký Nancy là một quyển sách có sức khuấy động tâm hồn sâu sắc vì nó đối mặt với bệnh AIDS một cách thẳng thắn, thực tế và trực diện. Có đến 30% bệnh nhân AIDS được phát hiện bệnh ở tuổi 20, nghĩa là hầu hết bệnh đã bị lây nhiễmn HIV ở tuổi thiếu niên (Dorean Hadley Staudacher – Chuyên gia tâm thần học hoạt động trong lĩnh vực AIDS).
Xin trân trọng gới thiệu và mời bạn đón đọc.
Những cuốn tự truyện
Tìm hạnh phúc sau nỗi đau
Sau cuốn Hoa hồng giấu trong cặp sách (Trung Quốc, NXB Kim Đồng), NXB Trẻ phát hành cuốn Nhật ký Nancy (Mỹ). Sách kể về sự rung động đầu tiên của một cô gái tuổi 14 trước một người con trai, Nancy đã không ngờ được rằng đó lại là một kẻ đê tiện và cái lần hẹn hò đầu tiên đã trở thành một cơn ác mộng khi em bị hắn cưỡng hiếp. Thế nhưng cơn ác mộng không dừng lại đó mà tiếp tục biến thành địa ngục khi xét nghiệm y khoa khẳng định em đã mắc “căn bệnh thế kỷ” sau lần đó.
Kể từ đó, với người bạn là cuốn nhật ký, cô bé ngày ngày ghi lại những sự kiện, những cảm nghĩ của một người chưa kịp đón nhận cuộc đời thiếu nữ đã phải đợi chờ cái chết đang dần dần tiến đến. Có lẽ, ngay khi viết cuốn nhật ký, cô bé không nghĩ có ngày nó trở thành một cuốn sách đi khắp thế giới.
Những tình cảm chân thật, chính những lời thổ lộ, những câu chuyện tưởng như đời thường mà em kể hằng ngày lại tạo nên những tình cảm vô cùng mãnh liệt với người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã phải thốt lên: “Nhật ký Nancy (Mỹ, NXB Trẻ xuất bản) hơn là một cuốn sách về phòng chống HIV, đó là nỗi đau của cả nhân loại khi để những bi kịch đó vẫn tiếp tục tái diễn ở khắp mọi nơi, mọi lúc trên thế giới hôm nay”.
Nếu câu chuyện của Nancy là sự tuyệt vọng thì câu chuyện về cuộc chiến 20 năm chống lại căn bệnh ung thư của cô gái Trần Tử Khâm trong cuốn Hoa hướng dương không cần mặt trời (Trung Quốc) lại là hy vọng. Vật vã với nỗi đau do bệnh tật dày vò có lúc tưởng chừng như không còn hy vọng, nhưng khi câu chuyện về em truyền đi khắp nơi đã nhận được muôn vàn cánh tay chìa ra giúp đỡ em vơi bớt nỗi đau.
Vượt qua bệnh tật để tìm một ý nghĩa của cuộc sống cũng là chủ đề nhiều cuốn tự truyện của những tác giả Việt Nam: Tôi mù (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Thanh Tú với nỗi niềm của một người không còn nhìn thấy ánh mặt trời; cuốn nhật ký Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng (NXB Phụ Nữ) của anh Phan Văn Hòa kể về câu chuyện chiến đấu với bệnh ung thư của hai vợ chồng anh.
Có một điểm chung ở cả 4 câu chuyện được nhắc tới ở trên đó là con người dù không thể thắng nổi bệnh tật, dù có thể mất đi người thân yêu, mất đi một phần thân thể hoặc mất cả mạng sống của chính mình thì họ vẫn tự tìm cho mình một ý nghĩa hạnh phúc của cuộc sống.
Anh Phan Văn Hòa lấy câu chuyện vợ chồng mình để mang lại niềm tin cho những người đồng cảnh ngộ, câu chuyện của Trần Tử Khâm ngợi ca tình người, Nguyễn Thanh Tú vượt qua mất mát để hạnh phúc với những gì mình đang có. Ngay cả bi kịch tuyệt vọng của cô bé Nancy cũng chứa đựng một niềm tin, niềm tin vào tình yêu của người thân, niềm tin mình sẽ không bị lãng quên, sẽ vẫn có ích cho mọi người dù có mất đi.
Tường Vy.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Nancy có thể là bất cứ ai…
(Nhật ký Nancy, TS Beatrice Sparks biên tập, Trần Hữu Kham dịch, NXB Trẻ)
TT – 2 giờ sáng. Nancy đã chết, trong một giấc ngủ trưa 12-4. Hai ngày trước đó, 7g59 tối 10-4, cô bé ghi vào nhật ký những dòng chữ cuối cùng: Hi vọng không bao giờ có một mình khác nữa, ngoài mình ra. Trên bia mộ cô bé cũng có một dòng như thế được khắc lại: “Sẽ không bao giờ có một Nancy khác”.
Cuốn sách làm thao thức người đọc. Một cuộc đời non dại vừa trôi qua cái vèo. Hai năm trước đó, cũng vào một ngày tháng tư, 14 tuổi, cô bé còn ghi những dòng náo nức: Đời đẹp quá!… Thật tuyệt vời!… Như có nắng ở trong lòng vậy đó… Chuông ngoài cửa đã reo rồi. Mình là cô bé Lọ Lem, mình đi dự dạ vũ đây. Chưa vội đọc những lời đánh giá của các chuyên gia ở đầu trang sách, lời giới thiệu của nhà xuất bản cũng có thể dành đọc sau cùng, bạn có thể lật ngay trang 17, đọc ngay những dòng nhật ký đầu tiên vào chính cái ngày tưng bừng ấy khi Nancy và bạn bè được gia đình cho đi xem buổi biểu diễn ca nhạc của Garth Brooks. Đến với niềm vui này Nancy lại thấy một niềm vui khác, khi một người không quen đến làm quen. Có mười ngày cô bé như sống trong mơ; người mới quen đã trở nên thân thiết và cô bé vụng dại, cô bé mang nỗi buồn của một đứa trẻ có mẹ cha ly dị bỗng thấy lòng ấm áp khi tìm thấy một bờ vai vững chãi để dựa vào, “rồi Collin bắt đầu vuốt ve lưng mình… Mình nhớ ra là lâu nay mình không còn được mẹ ôm ấp vuốt ve. Mẹ bận việc quá”. Nancy nhỏ nhoi tội nghiệp đang bước vào chỗ hiểm nguy, nhưng chỉ người đọc mới đau xót nhận ra vực thẳm ấy. Còn những ngày này nhật ký của cô bé rộn ràng tiếng cười vui, có cả cái nôn nao của kẻ hẹn hò, ngày 14-4, 15-4, 16-4… háo hức trôi. Nhưng ngày 25-4, 1g30 sáng, nhật ký bất ngờ ghi: Bóng đêm, bóng đêm lạnh lẽo và nhầy nhụa đang úp chụp xuống toàn thế giới. Nancy bị cưỡng đoạt.
Có những dòng này bạn nên chậm rãi đọc: Ngày 27-4: Mình là một đứa thật may, may mắn vì đã có mẹ để nương tựa, để được mẹ yêu thương, hiểu mình mà không kết tội, không la hét, chì chiết và ca cẩm, rồi tự vò đầu bứt tóc… Mẹ chỉ ôm mình vào lòng, vỗ về và cùng khóc với mình, và mẹ cứ nói đi nói lại mãi là chẳng phải lỗi tại mình… Mẹ cố nhận hết trách nhiệm về phần mẹ vì đã vắng nhà quá nhiều. Cô bé thấy bình tâm. Nhưng bi kịch mới chỉ đi bước khởi đầu…
Sôi nổi, thông minh và hài hước, Nhật ký Nancy cứ mỗi ngày lại kể với bạn một câu chuyện. Chuyện bạn bè có bầu ở tuổi 15, chuyện mẹ cha ly tán và nỗi “mặc cảm tội lỗi” của con trẻ… Và chuyện về AIDS, về nỗi ân hận muộn màng, về những giấc mơ đã vĩnh viễn rời xa. Không bất ngờ nhưng không chậm rãi, cái chết đến và Nancy chẳng kịp sống hết tuổi 16 của mình
Nhật ký Nancy ghi cụ thể từng ngày, thậm chí từng giờ, từng phút. Nhưng câu chuyện của cô bé diễn ra năm nào, nhật ký không ghi, những người làm sách, vô tình hay cố ý, cũng không nói. Nhưng điều đó thật ra cũng không thật sự cần thiết, dù là năm nào thì tấn thảm kịch tương tự cũng có thể xảy ra. Sẽ không bao giờ còn có một Nancy khác nhưng một số phận, một nỗi đau như của cô bé thì vẫn có thể lặp lại.
Và bây giờ thì bạn có thể giở lại những trang sách đầu tiên: “Điều đáng sợ là Nancy có thể là bất cứ ai trong số những người quen của bạn mà bạn không hề biết”.
THÚY NGA.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Hãy cứu những Nancy khác(*)
Nancy đã nhiễm HIV ở tuổi mười bốn, ngay trong lần đầu tiên bị cưỡng hiếp, và đã qua đời ở tuổi mười sáu, trong khi cả cuộc đời tươi đẹp còn chờ phía trước, với người yêu, bạn bè, cha mẹ, và những dự định học hành – nghề nghiệp… Nhật ký được ghi chỉ để chôn chặt một tâm trạng tan nát không thể bày tỏ cùng ai, sau “tai nạn” khủng khiếp ấy. Không hề định làm văn, nhưng tất cả những gì Nancy ghi lại đúng là những trang văn tuyệt vời nhất, trung thực nhất, về những cảm xúc – nghĩ suy của tuổi dậy thì…
Nancy đã nhớ tường tận những gì cô ngỡ sắp mở cho mình cả một chân trời, từ cuộc gặp với gã thanh niên “còn đẹp hơn cả tượng thần Hy Lạp trẻ tuổi trong sách lịch sử, hoặc bức tượng David ở Florence nước Ý…”, trong niềm vui cô so sánh “như ngày lễ Giáng sinh và tất cả các buổi tiệc sinh nhật trên đời gộp lại, với cả pháo bông của ngày lễ 4 tháng bảy ném cả vào đó…”. Và cô đã lập tức xem hắn là “bạn tri kỷ thân thiết nhất của em, anh hùng dũng cảm của em, bạn đáng tin cậy của em, tương lai của em!”. Quá đơn giản, quá hào hứng, quá cả tin, quá ngây thơ mơ mộng! Chỉ sau mười ngày, cô đã cho phép hắn đến nhà buổi tối, khi mẹ đi vắng. Để rồi mấy tiếng đồng hồ sau, mặc cho cô quyết liệt chống cự, hắn đã chiếm đoạt cô ngay trên giường của mẹ cô và, “khi đã xong xuôi anh ấy chỉ đứng dậy và bỏ đi. Không một lời tạm biệt. Chẳng nói “Anh xin lỗi”. Chẳng có, chẳng có gì hết”.
Chỉ bốn tháng sau, Nancy biết rằng mình đã nhiễm HIV. Cuộc sống đã sang trang, và cô gái mười lăm tuổi phải quằn quại trong những suy nghĩ: “Mình sắp chết rồi… Sẽ chẳng có sự nghiệp, chẳng có chồng con hay gia đình. Mình sẽ chẳng bao giờ có được Lew… Ôi, đau đớn quá chừng khi biết máu mình… làm chết người… Chỉ không thận trọng một chút là có thể làm hại những người mình yêu quý nhất…”.
Mỗi trang sách sau đó là một nỗi đau xé lòng. Sự việc trở nên tồi tệ một cách quá chóng vánh, do hệ miễn dịch quá yếu của cô. Sức khỏe Nancy nhanh chóng suy kiệt vì AIDS, và cô buộc phải đến sống ở một nơi xa lạ, từ bỏ môi trường thân quen của mình. Cô vẫn tìm được niềm vui sống trong những hoàn cảnh mà tuổi mười lăm khó lòng chấp nhận nổi. Có những thời gian Nancy yêu đời tới mức: “Một vài lần mình quên mất về tương lai của mình, hay về việc mình không hề có tương lai…”. Nhưng căn bệnh khủng khiếp đã vùi dập mọi tia hy vọng dù le lói nhất của cô, và vào lúc không thể chịu đựng nổi, cô đã gào khóc với cha mình: “Cả đời con chỉ quan hệ tình dục có một lần… Sao nó lại xảy ra hở ba?… Con chỉ là một đứa trẻ… Thật chẳng công bằng chút nào, ba ơi”.
Chỉ có đức tin tôn giáo mới cứu rỗi linh hồn cô, cho cô lòng thanh thản thánh thiện: “Xin Chúa đừng bao giờ để nó xảy đến với bất cứ đứa con gái nào khác!… Xin đừng có ai lâm vào cảnh ngộ khổ đau cùng cực như con”. Những trang nhật ký cuối cùng được ghi chỉ hai ngày trước khi cô rời khỏi cuộc sống này, để tới một nơi mà Nancy tin rằng: “linh hồn mình lúc ấy chẳng còn bệnh hoạn gì nữa, sẽ phất phới bay lên…”.
Nếu Nhật ký Anna Frank từng khiến người đọc ghê sợ chủ nghĩa phát xít, thì Nhật ký Nancy cũng khiến người đọc kinh sợ căn bệnh AIDS ở cùng mức độ. Chỉ có một an ủi: nếu chúng ta làm được điều mà Nancy vô cùng mong muốn – giúp cho những trẻ em khác không rơi vào tai họa của cô, như lời bác sĩ B: “không thể nào giữ chim chóc đừng bay qua đầu chúng, nhưng lại có thể giữ chim chóc đừng làm tổ trên tóc chúng”.
N.T.K.C
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ Năm, 16/11/2006)
Blog nhật ký của bạn
“Không có một Nancy khác”
TT – Chưa bao giờ tôi nghĩ nhiều đến căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS như bây giờ kể từ khi đọc xong cuốn Nhật ký của Nancy do NXB Trẻ xuất bản. Phải nói rằng tôi đã rất xúc động khi biết được một cô bé 14 tuổi mắc bệnh AIDS.
Đáng lẽ ra ở tuổi đó em phải được học hành, vui chơi, được quyền hưởng hạnh phúc như bao cô bé cùng trang lứa khác. Thế nhưng cuộc sống đã cướp đi của em tất cả chỉ sau một lần bị cưỡng bức… Đau đớn nhất chính là lúc em vừa cảm nhận được tình yêu đầu đời đến với mình thì cũng là lúc em vĩnh viễn không còn thấy mùa xuân nữa…
Trong những lúc quằn quại, đau đớn, đấu tranh với căn bệnh, em đã viết cuốn nhật ký này như là cách trị vết thương hữu hiệu nhất. Em viết lại tất cả những gì mình đang trải qua, sự đau đớn, sự tiếc nuối và cả những ước mơ cháy bỏng trong tâm hồn cô bé 14 tuổi với hi vọng sẽ giúp ích cho mọi người…
Tôi còn nhớ cảm giác khi thấy mắt mình cay cay lúc đọc trên mộ bia của em: “Không có một Nancy khác”. Phải, tôi cũng mong sẽ không bao giờ có một Nancy khác… Tôi cũng đang viết nhật ký với một ước nguyện là mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, hãy nghĩ đến tương lai, hãy cảnh giác với tất cả mọi thứ có thể đưa bạn đến căn bệnh thế kỷ… như lời tựa mà cô bé Nancy đã viết: “Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ HIV/AIDS sẽ không bao giờ đến với mình…”.
NHI DUONG
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Nhật ký Nancy
(Ngày 15-04-2007)
Đọc Nhật ký Nancy, cũng chính là những lời tâm sự chân tình của cô bé Nancy trước lúc qua đời do căn bệnh thế kỷ, người đọc cũng không tránh được ngỡ ngàng trước nỗi đau tột cùng mà một cô bé mười bốn tuổi phải gánh chịu. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, cô bé đã có được những rung động đầu đời với cậu bạn trai tên Collin – người đã khiến trái tim mềm yếu của cô rung lên những nhịp yêu thương đầy tuyệt diệu. Cứ ngỡ tình yêu đầu đời đến như một giấc mơ đẹp mà cuộc sống dành tặng cho mình, nhưng có nào ngờ đó lại chính là tai họa đổ xuống cuộc đời cô bé, với một cái giá phải trả quá đắt.
Từ khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV căn bệnh thế kỷ, không những em phải chống chọi với căn bệnh, Nancy còn phải đối mặt với sự kỳ thị. Từ đó, đã bật lên bản lĩnh đáng khâm phục của một cô bé chỉ mới mười bốn tuổi. Đó là tinh thần trách nhiệm của em với cộng đồng bằng việc tìm hiểu và thực hiện những biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác. Trong những tháng ngày tuyệt vọng, Nancy xem nhật ký như một người bạn thân thiết để giãi bày tâm trạng của mình.
Bản chất đáng quý của cô bé chính là tính hướng thiện mà ngay cả đến lúc biết mình sắp chết, vẫn luôn nghĩ tới người khác, muốn tốt cho người khác. Bằng những dòng tâm sự chân tình: “Mình sẽ luôn luôn phải mang tã lót Depends, mặc dù đó là điều mình không chịu nổi. Mình không muốn làm bất cứ ai khác tổn thương, không bao giờ, có lẽ trừ con Delta là đứa đã tung tin đồn ác ý về tai nạn của mình trong rạp chiếu bóng… Nó là đứa mình muốn lây bệnh AIDS. Không, không, lạy Chúa lòng lành, con không có ý đó đâu. Xin hãy tha thứ cho con! Xin hãy xóa sạch ý nghĩ đó đi! CON CẦN CỨU GIÚP. CON CẦN CỨU GIÚP!”.
Câu chuyện cảm động này không chỉ là bài học về sự cảnh giác dành riêng cho giới trẻ, mà còn giúp phần khơi gợi về tinh thần trách nhiệm, ý thức trong cuộc sống. Và điều quan trọng hơn cả là nó giúp cho chúng ta – những người đang sống nhận ra giá trị đích thực của những món quà quý báu mà cuộc sống mang lại, đó là sức khỏe, ước mơ, thời gian và sự tồn tại.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
50 năm mê hát cải lương
(Ngày 01-07-2007 )
(Hồi ký của học giả Vương Hồng Sển, NXB Trẻ tái bản tháng 4–2007)
Viết đã là một thú vui với học giả Vương Hồng Sển, ngoài 50 năm mê hát cải lương, ông còn được bạn đọc biết đến nhiều qua hồi ký Hơn nửa đời hư. Vẫn giọng văn Nam Bộ thuần chất, viết như thủ thỉ kể chuyện, tập hồi ký về loại hình nghệ thuật dân tộc này được thể hiện hấp dẫn bởi lối dẫn chuyện và công phu về mặt tài liệu sưu tầm.
Học giả Vương Hồng Sển hoàn thành tập bản thảo 50 năm mê hát vào năm 1966, năm này được giới nghiên cứu xuất xứ nghệ thuật cải lương Nam Bộ chọn làm năm kỷ niệm nửa thế kỷ. Nhưng với kiến thức thu thập được, học giả Vương Hồng Sển muốn lật lại vấn đề rằng mốc thời gian đó đã chính xác chưa. Vì theo 50 năm mê hát, cải lương xuất thân từ dân gian được hát thành bài bản nhờ các thầy đờn góp mặt trong các đám húy kỵ. Sau đó, cải lương được hát ở các rạp chiếu phim cho khán giả ngồi đợi trước khi bộ phim chính thức đến giờ chiếu. Đất Tiền Giang là nơi đầu tiên các chủ rạp chiếu phim đưa cải lương lên sân khấu nhưng lúc đó chưa có bài bản, lớp lang, tuồng tích như sau này. Mãi đến khi mặt trận bình dân ở Pháp tác động đến Việt Nam, các nhà trí thức muốn có một loại hình nghệ thuật mới thể hiện được văn hóa dân tộc nên đã bắt tay vào gầy dựng và phát triển thành cải lương như bây giờ.
Trong 50 năm mê hát, người đọc còn gặp lại hình ảnh xuân sắc một thời của những đào, kép lừng danh như: Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Châu, Ba Vân… Ngoài ra, còn có một số đoạn nói về giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, rằng giáo sư là con của một “thầy đờn” nổi tiếng ở đất Tiền Giang. Đối với bạn đọc mê nghệ thuật dân tộc và muốn “sưu tầm” các bài bản xưa cũ để ngâm nga thử giọng thì 50 năm mê hát đã có sẵn.