Sherman Alexie là tác giả cuốn Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian. Cuốn sách đã đem lại cho ông giải Sách Quốc gia 2007 mảng Văn học Thiếu niên. Ông đang viết tiếp phần 2. Nhân dịp, cuốn sách này được dịch và xuất bản ở Việt Nam, eVan.Vnexpress.net giới thiệu bài viết của tác giả đăng trên The Wall Street Journal, 2011.
Vừa qua, tôi được mời làm người phát biểu mở màn ở buổi lễ tốt nghiệp một trường bổ túc cấp ba tại Seattle. Tôi đã phát biểu trước 60 học sinh đến từ mười sáu quận khác nhau, tất cả đều trải qua những vấn đề như trầm cảm, tự sát, xung đột băng nhóm, lạm dụng tình dục, bạo hành, cha mẹ thường xuyên vắng nhà, nghèo khổ, phân biệt chủng tộc, học hành quá kém cỏi đến nỗi không thể tốt nghiệp.
Những học sinh này đã đọc cuốn tiểu thuyết dành cho giới trẻ Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian của tôi, và được truyền cảm hứng từ cuốn tự truyện về cậu bé người da đỏ nghèo khổ với những cố gắng tuyệt vọng và hài hước để tìm đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi đã nói về khả năng phục hồi – về cuộc đấu tranh của riêng tôi với tình trạng nghiện ngập và bệnh tâm thần – nhưng chính những học sinh kia mới là người kể lên những câu chuyện quan trọng về sự sinh tồn.
Sau buổi lễ, rất nhiều học sinh tốt nghiệp đã bắt tay tôi, ôm tôi, chụp ảnh với tôi, và hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về cuốn sách cũng như cuộc đời tôi. Một vài học sinh khác chỉ dám lượn lờ xung quanh và nhìn tôi với vẻ vừa dò xét vừa ngại ngùng.
Đó là một buổi lễ tuyệt đẹp xen lẫn đau đớn. Nhưng nó không phải là độc nhất. Tôi đã thăm hàng chục trường cấp ba – trường giàu lẫn nghèo, tư thục lẫn công lập, hòa nhập lẫn cách ly, tuyệt đối an toàn hay nguy hiểm khủng khiếp – và lắng nghe hàng trăm câu chuyện mang nỗi đau riêng lẻ hay nỗi đau chung của nhiều người.
Gần như ngày nào hộp thư của tôi cũng đầy những lá thư viết tay của các em học sinh – thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng – những độc giả yêu thích cuốn sách của tôi. Tôi vẫn chưa nhận được lá thư từ một đứa trẻ bị đày đọa bởi đủ thứ như bạo lực gia đình, ma túy, phân biệt chủng tộc, nghèo đói, tình dục và cả giết chóc như trong cuốn sách của mình. Ngược lại, có những cậu bé chỉ khoảng mười tuổi đã gửi cho tôi những lá thư kể về cuộc đời mình viết bằng bút sáp, kết thúc bằng những bức tranh lấy cảm hứng từ cuốn sách của tôi. Những lá thư ấy u ám, đáng sợ và cứu rỗi tâm hồn hơn tất thảy những gì tôi từng đọc.
Và lũ trẻ rất hay bảo tôi rằng tiểu thuyết của tôi là cuốn sách duy nhất chúng đọc trọn vẹn.
Khi tôi đọc được lời phê phán của Meghan Cox Gurdon về cái gọi là "đồi trụy" và "bóp méo một cách ghê tởm" văn học dành cho giới trẻ, tôi đã phì cười vào sự hạ mình chiếu cố của cô ấy.
Liệu cô Gurdon có thực sự tin rằng một cuốn tiểu thuyết có yếu tố tình dục lộ liễu có thể gây ám ảnh với một bà mẹ tuổi vị thành niên? Cô ấy có tin rằng một cuốn tiểu thuyết về giết chóc và cưỡng hiếp có thể gây sốc với những thanh thiếu niên mà cuộc đời đã bị hủy hoại bởi tội ác giết người cũng như cưỡng hiếp? Liệu cô có tin một tiểu thuyết tăm tối sẽ làm một đứa trẻ vốn sống trong cảnh địa ngục khiếp sợ?
Khi tôi nghĩ đến tôi ngày xưa – một thiếu niên Mỹ bị cái nghèo dồn ép, bị lạm dụng tình dục, thân xác, tự căm ghét chính bản thân mình, tôi chỉ có thể ước, một cách không khiêm tốn cho lắm, rằng giá mà mình có cơ hội đọc Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian. Hay cuốn Speak của Laurie Halse Anderson, và Inexcusable của Chris Lynch. Hay bất cứ cuốn sách nào cô Gurdon tin rằng "hết thuốc chữa". Tôi không dám phát biểu về những tác giả khác, nhưng với tôi việc viết cuốn tiểu thuyết cho người trẻ tuổi này là một cách để nói với cái tôi thời còn trẻ, cái tôi không thể tha thứ trước kia.
Dĩ nhiên, hồi tôi còn bé, cũng có những vị có – thể – gọi – là anh hùng đã cố gắng cứu các thành viên trong bộ lạc tôi. Họ muốn cứu rỗi cả tôi nữa. Nhưng dẫu có thế, tôi cũng chỉ có thể cười vào những việc làm nhạt nhẽo, vô vị của họ. Thời ấy, những vị bảo thủ vẫn nghĩ rằng những ban nhạc rock như Kiss hay Black Sabbath sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của tôi. Họ muốn cứu tôi khỏi tình dục khi tôi đã bị cưỡng bức. Họ muốn cứu tôi ra khỏi tội ác khi tôi đã phải chịu sự bạo hành của một kẻ tương lai có thể trở thành một tên sát nhân hàng loạt. Họ muốn tôi phải bày tỏ tình yêu với Chúa mà không cần biết tôi cũng là một đứa con, một người cháu của những người đàn ông, đàn bà bị lạm dụng tình dục và thân xác.
Bằng một cách rất trẻ con, tôi đã trả lời những vị cứu tinh ấy ra sao?
"Ô, các ông đã muộn, quá muộn rồi".
Và giờ đây, là một người lớn trưởng thành, khi nhìn lại, tôi tự hỏi tại sao những người ấy lại cố gắng cảnh báo tôi về những tội ác khi chúng đã xảy ra với mình rồi.
Khi những nhà phê bình văn hóa lo ngại về những cuốn tiểu thuyết dành cho giới trẻ "không thể kinh khủng hơn", họ cũng đâu cố sức bảo vệ những thiếu niên người Mỹ gốc Phi bị ép phải đi qua những cái máy dò tìm kim loại trên đường đến trường. Hay những cô cậu bé người Mỹ gốc Mexico phải chịu đựng cái cuộc sống luôn bị xáo trộn văn hóa khi vừa là công dân Mỹ, vừa là con của những người nhập cư bất hợp pháp. Hay những thiếu niên Mỹ bản địa lớn lên trong những trại tập trung của Thế giới thứ ba (gồm những nước nghèo nhất thế giới). Hay những đứa bé da trắng phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trong những công viên lạnh giá. Họ cũng không bảo vệ những người nghèo khỏi sự nghèo khổ. Hay những người bị hãm hiếp.
Không, họ đơn giản chỉ muốn bảo vệ cái quan điểm cổ hủ của họ về việc văn học phải như thế nào. Họ muốn bảo vệ những đứa trẻ được đặc ân của họ. Hay những kẻ có vẻ như được đặc ân.
Hai năm trước, tôi gặp một chàng trai xuất thân từ một trong những trường tư thục danh giá nhất nước. Cậu lặng lẽ kể với tôi về nỗi khổ của cậu. Rốt cuộc thì điều gì đã làm cậu ấm của một triệu phú phải đau khổ? Cậu ta chưa bao giờ bị lạm dụng tình dục hay đánh đập. Cậu cũng chưa từng bị đói. Cậu cũng chưa từng thấy ai đánh nhau trong lúc giận điên người. Cậu thậm chí còn chưa đến một đám ma nào.
Vậy thì vấn đề là gì chứ?
"Tôi muốn trở thành nhà văn," cậu ấy nói. "Nhưng bố tôi không muốn. Ông muốn tôi đi lính. Giống như ông ấy trước đây".
Cậu ấy mười bảy tuổi và được gọi đi lính. Vâng, cậu ấy đã đủ lớn để có thể chết và giết người vì Tổ quốc. Và cũng đủ lớn để trải nghiệm những nỗi kinh hoàng không gì tả siết của chiến tranh. Nhưng, theo như cô Gurdon kia thì, cậu ấy vẫn còn quá nhỏ để đọc một cuốn tiểu thuyết mô tả một cách sống động những nỗi khiếp đảm tương tự thế.
"Tôi không muốn giống bố tôi," cậu bé nói. "Tôi muốn là chính mình. Giống như trong cuốn sách của anh vậy."
Giây phút ấy, tôi cảm thấy bất lực. Tôi chẳng thể giúp gì cậu ngoại trừ tỏ ra cảm thông và hứa hẹn sẽ viết thêm nhiều cuốn sách kể về những thanh thiếu niên tự giải thoát mình khỏi người lớn – những kẻ luôn tìm cách điều khiển và áp chế họ.
Mỗi năm, thanh thiếu niên đọc hàng triệu cuốn sách. Các em đọc để giải trí và để học. Các em đọc vì đó là bài về nhà hoặc vì nó đang là mốt trong văn hóa đại chúng.
Và hàng triệu cô cậu bé đã đọc bởi vì các em quá buồn, quá cô đơn và giận dữ. Các em đọc vì các em sống trong một thế giới tồi tệ. Các em đọc vì tin rằng, bất chấp sự phản đối hời hợt của những người lớn nào đó, các cuốn sách – đặc biệt là những cuốn tăm tối và nguy hiểm – sẽ cứu rỗi các em.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi đọc sách bởi – dù bạo lực hay không, xúc xiểm hay không, đáng sợ hay không – sách vẫn là thứ tốt đẹp và đáng tin cậy nhất trong cuộc đời. Tôi đọc nhiều loại sách, và cũng yêu thích nhiều cuốn thuộc trường phái cổ điển, vâng, tôi nhận ra những xung đột gia đình kinh khủng mà chị em nhà March của Louisa May Alcott phải đối diện. Nhưng tôi lại trở thành đứa bé bị đám ma sói, ma cà rồng, và những thằng hề độc ác đuổi bắt trong các cuốn sách của Stephen King. Tôi đọc sách về quái vật lẫn những thứ ma quỷ, thường viết bằng ngôn ngữ ma quái, vì chúng dạy tôi cách chiến đấu với những con quái vật có thật trong đời.
Và giờ tôi lại viết sách cho lứa tuổi thiếu niên vì tôi vẫn còn nhớ rõ mình đã cảm thấy thế nào khi là một đứa trẻ ngày ngày phải đối mặt với đủ thứ hiểm nguy. Tôi không viết để bảo vệ các em. Đã quá muộn để làm điều ấy rồi. Tôi viết để đem lại cho các em một thứ vũ khí – bằng ngôn từ và ý tưởng – thứ sẽ giúp các em chống lại quỷ dữ. Và tôi viết lên chúng bằng máu vì tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi chảy máu là thế nào.
Nguyên Thảo lược dịch
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn