Tập sách này được lấy tên là Nhân vật chí, cũng có vài điều khác nhau so với quan niệm xưa nay. Xin được sơ bộ trình bày để người đọc dễ dàng thẩm định:
Hình như ta chưa chính thức có một quyển Nhân vật chí nào trong thư viện cũ. Có đấy, nhưng chỉ là một mục trong những bộ sách lớn của các tác giả như: Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Nhân vật chí là có cùng với những Khoa mục chí, Bang giao chí, Văn tịch chí… Đặt cái tên là Nhân vật chí riêng ra, có lẽ có điều gì đấy chưa thật ổn.
Theo cách hiểu chung, đã là nhân vật chí thì chỉ chép về những con người thật. Nhưng thực ra, đọc sách trên, nhiều trường hợp khiến ta không khỏi băn khoăn. Hình như, người xưa chỉ chú ý đến một số ít người có thành tích trong lịch sử, có đỗ đạt, làm quan chức mà phải là chức cao tước lớn. Khá nhiều người đã được phong là Phúc Thần chẳng hạn, nhưng chẳng mấy khi được chú ý. Phải chăng như vậy là chưa thỏa đáng.
Lịch sử đất nước ta quả tình có nhiều chỗ đáng hoài nghi mà khó giải đáp:
Lạc Long Quân có thể gọi là một nhân vật lịch sử của nước ta không? Ai dám khẳng định là không có ông và có thực ông chỉ là một biểu tượng?
Ta có rất nhiều vị nữ tướng đã chiến đấu dưới cờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Đinh Bộ Lĩnh… Nhiều người đã tin rằng đó là sự tưởng tượng, là một dạng tôn vinh. Nhưng ở nhiều nơi đền miếu vẫn còn, sắc phong thành hoàng đang giữ được. Xếp tất cả vào lĩnh vực những con người huyền thoại, những nhân vật cổ tích đã là một các giải quyết lâu nay. Nhưng phải chăng, làm như vậy cũng không yên tâm được?
Rồi còn một loạt các nhân vật: các hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, những vị sư, thầy giáo…chúng ta thường chưa có điều kiện chú ý đến, mà cứ xếp tất cả vào lớp người vô danh đông đảo (thực ra họ có tên tuổi hẳn hoi).
Biên soạn một tập Nhân vật chí, phải chăng là cần quan tâm đến vấn đề đó? Biên soạn tập Nhân vật chí lần này, nhóm tác giả rất quan tâm đến những khía cạnh ấy để soạn một bộ sách đúng tinh thần và văn phong từ điển.
Mời bạn đón đọc.