Trong lịch sử lập quốc và phát triển đất nước của ta, triều đại các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (1558 – 1945) kéo dài gần 400 năm là thời kỳ mở rộng đất nước với quy mô lớn nhất (từ Phú Yên vào đến Hà Tiên), đồng thời cũng là thời kỳ có những đổi thay sâu sắc trong đời sống xã hội do sự hiện diện của một khối lượng đông đảo người nước ngoài, phương Đông (người Trung Quốc, Nhật Bản), phương Tây (người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp). Họ đến Đàng Trong để giảng đạo hoặc mua bán, sinh hoạt trên một đất nước còn khá xa lạ đối với học và không ít người đã tỉ mẫn ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những năm tháng cùng sinh sống với người bản xứ. Cũng vì vậy, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn rất phong phú về mặt sử liệu, với rất nhiều bút ký, du ký, khảo cứu do người nước ngoài viết về các mặt đời sống của xã hội Đại Việt. Việc nhìn nhận và đánh giá vấn đề của những người này có thể còn phiến diện, chưa sát với thực tế, song không thể phủ nhận là cách trình bày vấn đề của họ mới mẻ hơn, không đi theo lối mòn của lối chép sử biên niên của ta; và ở một số khía cạnh nào đó, tỏ ra khách quan và khoa học hơn.
Cuốn sách phản ánh một vài khía cạnh đơn lẻ của một giai đoạn lịch sử đầy biến động, không có tham vọng nào hơn là cung cấp cho người đọc những gì thu thập được từ khối sử liệu phong phú của thời kỳ này. Chỉ mong được thể hiện nơi đây lòng biết ơn sâu sắc đối với tiền nhân, những bậc công thần với trách nhiệm quốc kế dân sinh, những lưu dân nghèo khổ, với hai bàn tay trắng, đã trèo non vượt thác vào vùng đất mới, chiến đấu với thú dữ, khắc phục thiên tai để gầy dựng cho cháu con dải giang sơn cẩm tú này.
Mời bạn đón đọc.