Điều này tôi không rõ, nhưng một nhà văn Mỹ đã thốt lên như thế. Đó là Kurt Vonnegut với tác phẩm Người không quê hương – Hồi ký về nước Mỹ thời George W. Bush (nguyên tác A man without a country – A memoir of life in George W. Bush's America) vừa được NXB Thông Tấn ấn hành, bản dịch của Nguyễn Khánh Toàn.
Về tác phẩm độc đáo này, tờ Sunday Times nhận xét: "Một phần hồi ký, một phần cường điệu, một phần hài hước, Người không quê hương của Vonnegut là một tác phẩm vừa khó nắm bắt, vừa hấp dẫn khôn cưỡng. Tác giả đã khéo léo cân bằng hai sắc thái đối chọi nhau trong cuốn sách nhỏ này, nỗi tuyệt vọng trước một thế giới mục ruỗng và tinh thần trào lộng.".
Thật vậy, tập sách chỉ dày 166 trang nhưng tràn ngập những suy tư về thời cuộc, khi hài hước, lúc lại chua chát. Với sự tự trào, ông viết về chính tiếng cười đang trên bờ vực suy thoái: "Có lẽ tôi không còn có thể bông đùa được nữa – đó không còn là một cơ chế tự vệ làm chúng ta thỏa mãn. Một số người thì hài hước, còn một số thì không. Trước đây tôi thường hài hước mà giờ có lẽ hết rồi. Có lẽ đã xảy ra nhiều việc gây sửng sốt và thất vọng đến nỗi cơ chế hài hước không còn tác dụng nữa. Có lẽ tôi đã trở nên cau có vì đã chứng kiến quá nhiều thứ làm phật ý tôi mà tôi không thể đối phó nổi bằng tiếng cười".
Điều quan trọng là dù tự nhận "không quê hương" nhưng ông luôn chứng tỏ mình là "người trong cuộc" và không hề bàng quan trước thực tại của nước Mỹ. Chính thái độ tích cực này được công chúng Mỹ và bạn đọc đồng tình. Hiện nay, Kurt Vonnegut là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hài hước hiện đại ở nước Mỹ. Người không quê hương là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch sang tiếng Việt.
KHÁNH NGỌC
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn