Ngựa Ô Yêu Dấu – Cuốn sách tuyệt hay về loài ngựa – Câu chuyện nổi tiếng nhất về loài vật qua mọi thời đại.
Ngựa Ô Yêu Dấu kể về những cuộc phiêu lưu, những nỗi thất vọng và những niềm vui của một con ngựa, có lẽ là một câu chuyện nổi tiếng nhất mọi thời đại về loài vật. Black Beauty là một chú ngựa ô đẹp mã, thuần tính, dũng cảm và trung thành. Chú có bộ lông đen tuyền, mịn mượt, có một chân trắng và ngôi sao màu trắng bạc đẹp đẽ trên trán. Khi ông chủ buộc phải bán chú đi, Black Beauty đã từ cuộc sống êm ấm, dễ chịu rơi vào những đoạn đời làm việc cực nhọc, bị đối xử tàn nhẫn và tiếp xúc với nhiều loài người trong xã hội. Black Beauty đã sớm hiểu rằng cuộc đời thật khó mà lường trước với từng ông chủ khác nhau.
Nữ tác giả Anna Sewell đã thật sự nói thay cho những con vật không biết nói nhiều tâm tư, nguyện vọng của chúng. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ, Ngựa Ô Yêu Dấu đã nổi tiếng và có ảnh hưởng rộng rãi, tích cực đến thái độ của con người với loài ngựa, một giống vật cao quý và gắn bó, trung thàng với con người. Tính đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra 35 thứ tiếng và bán được hàng chục triệu bản.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ hai, 10/12/2007)
Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
Cuốn tiểu thuyết được Tracy Chevalier viết dựa trên một nhân vật có thật, họa sĩ Johannes Vermmer (1632-1675) với kiệt tác “Chân dung thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” hiện được trưng bày ở bảo tàng Mauritshuis, Hà Lan.
Thành Delft, giữa thế kỷ 17, ở Hà Lan, Griet buộc phải xa nhà để trở thành hầu gái trong gia đình họa sĩ Johannes Vermmer. Cô gái bé nhỏ tất tả lo hàng đống công việc giặt giũ, đi chợ, trông trẻ và dọn dẹp đồ trong xưởng vẽ… rốt cuộc lại là người gây nhiều phiền phức nhất. Không chỉ lôi cuốn sự chú ý của con trai người bán thịt lợn ngoài chợ, cô hầu mắt to còn khiến người bảo hộ của Vermmer sôi sục để ý và nhất là, mối tình thầm nén của chính ông chủ, họa sĩ Johannes Vermmer.
Cuốn tiểu thuyết như nén chặt lại cảm xúc trong những câu văn ngắn và văn phong trong sáng. Chỉ có thể cảm nhận rõ bầu không khí ở thành Delft với dòng chảy hội họa nổi tiếng khắp thế giới mãi sau này. Với những phiên chợ hoạt náo, với những gia đình nghèo cùng những số phận lay lắt, với những nhà thờ mênh mang lời cầu nguyện của con chiên, với bệnh dịch hạch hoành hành dữ dội…
Và một cô hầu gái bé nhỏ trong đó đã khơi dậy một mối tình kỳ diệu nhưng đầy ám ảnh. Không phải vì đơn phương, bởi bản thân Griet cũng có chung cảm nhận thấm gợi ấy. Nhưng tình yêu không lời và thậm chí không có chỗ cho dục vọng hé lộ. Trong căn phòng nhỏ áp mái ấy, với những việc mua bán vật liêu vẽ cho ông chủ, với những lúc cô hí húi trộn màu, với những cảm nhận tinh khiết về hội họa… tình yêu tìm đến khe khẽ, bằng một cái cầm tay vô tình, bằng những cái nhìn giữa họa sĩ và người mẫu, bằng việc ông chủ nhìn thấy mái tóc dài luôn được Griet giấu kín trong mũ.
Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai có riêng một dòng chảy kỳ diệu đến với độc giả. Không cần nhiều lời, như ông chủ có khi nào thổ lộ, như Griet bị dồn nén đến mức tự tìm cách giải tỏa từ Pieter, chàng bán thịt có gương mặt thật đẹp trai. Nhất là lúc cô chủ động tìm anh để dâng hiến như tìm một khoảng tự do cho riêng mình, tại một ngõ nhỏ cạnh quán rượu. Sự dồn nén cảm xúc được xử lý tinh tế. Hai nhân vật chính – cô hầu gái và họa sĩ – chỉ lặng lẽ cảm nhận. Mặc dù nhà đông người, mặc dù trong xưởng vẽ chỉ có hai người, mặc dù nơi Griet ngủ được chính tay bà chủ khóa trái và mở ra vào buổi sáng – thì tình yêu vẫn có không gian riêng của nó, giữa đam mê, phẫn nộ và thấu suốt…
Nhà văn Tracy Chevalier (sinh năm 1962) là một tiểu thuyết gia ăn khách về đề tài lịch sử. Tác phẩm đầu tay của bà là Sắc lam trinh khiết giành giải thưởng Tài năng trẻ WH Smith năm 2007. Tiểu thuyết Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai là best-seller năm 1999, được đề cử giải Orange 2000. Bộ phim cùng tên mà Chevalier là đồng tác giả kịch bản đã được đề cử 3 giải Oscar năm 2004. Hiện bà sống ở London và tiếp tục sáng tác. Tác phẩm mới xuất bản trong năm 2007 là Cháy rực, nói về hai đứa trẻ tới sống cạnh nhà thi sĩ William Blake ở London năm 1792.
Phúc Yên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn